Từ những ngôi phủ đệ, cuộc sống quyền quý của các thành viên hoàng gia trong chốn cung cấm theo đó mà thâm nhập vào đời sống dân gian. Cho dù ở nơi ở mới, cánh cửa phủ đệ vẫn lặng lẽ đóng kín nhưng khoảng cách giữa thường dân với các bậc quyền quý trong cung đã phần nào được khỏa lấp và văn hóa cung đình cũng theo đó mà lan tỏa khắp chốn kinh kỳ.
Du khách đến Huế, dường như ai cũng muốn tham quan những cung điện vàng son một thuở bên trong những vòng tường thành rêu phong cổ kính, hay viếng thăm những lăng tẩm uy nghi của các vị vua triều Nguyễn đang giấu mình dưới bóng cổ tùng nơi vùng đồi núi chập chùng ở phía tây Kinh Thành Huế.
Ít ai chú ý đến những phủ đệ của các ông hoàng bà chúa nằm xen giữa phố thị đông đúc hoặc lẩn khuất nơi thôn dã ở vùng ngoại ô, với những bức tường phủ rêu và những cánh cửa đóng kín quanh năm, như muốn che đậy một thế giới riêng tư của lớp người đã đem đến cho Huế một tính cách không giống ai: tính cách mệ.
Kỳ thực, những phủ đệ ấy từng vang bóng một thời và nay là nơi lưu giữ những ánh hào quang quá vãng của Huế xưa, mà nếu thiếu vắng, thì bức chân dung xứ Huế sẽ trở nên nhạt nhòa vì thiếu những gam màu sâu lắng, cô liêu.
Phủ đệ, chốn ấy là gì?
Phủ đệ, tên gọi chốn ấy, là nơi ở của các vương tôn, hoàng tử và công chúa thời Nguyễn. Phủ là nơi ở của các hoàng thân, hoàng tử sau khi lập gia đình, từ đó mới phái sinh danh xưng phủ thiếp để gọi người vợ của hoàng tử, tức là con dâu của nhà vua. Tùy theo tôn tước của chủ nhân được triều đình tập phong là tước công hay tước vương mà phủ ấy được gọi là công phủ hay vương phủ. Đệ là lối gọi tắt của từ đệ trạch, là nơi ở của công chúa sau khi hạ giá, tức là công chúa đã được gả chồng.
Về sau, người ta thường dùng chữ phủ đệ để gọi chung cho nơi ở của các ông hoàng, bà chúa đã thành thân. Khi những ông hoàng, bà chúa ấy trở thành người thiên cổ, tòa chính đường trong phủ, nơi trú tất của các ông hoàng, bà chúa lúc sinh thời, trở thành nơi thờ tự vong linh của chính họ.
Ấy cũng là lúc con cháu của họ thay biển ngạch đề danh trước cổng, đổi chữ phủ (hay chữ đệ) thành chữ từ hay từ đường, mà dân gian vẫn quen gọi là phủ từ, hàm ý đó là nơi thờ tự vị chủ nhân của phủ đệ xưa, nay đã quá cố.
Mỗi phủ đệ đều có tên riêng, dựa theo tôn tước của chủ nhân. Tên của các phủ thường là tên huyện mà vị thân công, hoàng tử ấy được triều đình tập phong như: Tùng Thiện vương phủ, Tuy Lý vương phủ, Thọ Xuân vương phủ, Định Viễn quận vương phủ, Phước Long quận công phủ, Thường Tín quận công phủ… Tên của đệ trạch thường gọi theo danh hiệu của vị công chúa chủ nhân đệ trạch ấy như: An Thường công chúa đệ, Ngọc Sơn công chúa đệ…
Đầu triều Nguyễn, các phủ đệ đều tọa lạc bên trong Kinh Thành Huế, theo nguyên tắc “nam tả, nữ hữu”, nghĩa là phủ của các thân công, hoàng tử thì ở về phía trái, còn đệ trạch của các công nữ thì ở về phía phải của Kinh Thành. Năm 1846, Tùng Thiện công Miên Thẩm, hoàng tử thứ 10 của vua Thiệu Trị rời Kinh Thành tìm về bên dòng sông Lợi Nông, mua một khoảnh đất rộng, lập nên Tiêu viên, sau đổi là Ký Thưởng viên với 16 sở đường lâu các, rồi rước mẹ là bà Thục Tân từ Tử Cấm Thành về ở với ông để tiện bề phụng dưỡng. Đó là vương phủ đầu tiên nằm ngoài Kinh Thành Huế, mở đầu cho lịch sử hình thành phủ đệ của các ông hoàng bà chúa ở kinh đô.
Nối gót Tùng Thiện công Miên Thẩm, nhiều hoàng thân, quốc thích cũng tìm đến những vùng đất bên ngoài Kinh Thành để dựng phủ. Cuộc sống quyền quý của các thành viên hoàng gia ở trong cung cấm, theo đó mà thâm nhập vào đời sống dân gian, cho dù ở nơi ở mới, cánh cửa phủ đệ vẫn lặng lẽ đóng kín nhưng khoảng cách giữa thường dân với các bậc quyền quý trong cung đã phần nào được khỏa lấp và văn hóa cung đình cũng theo đó mà lan tỏa khắp chốn kinh kỳ. Những vùng đất trù phú, thanh bình dọc hai bờ sông Lợi Nông, từ Phủ Cam xuôi về An Cựu, ở làng Kim Long, thôn Vỹ Dạ, xóm Gia Hội hay vùng Chợ Cống... là những nơi được nhiều ông hoàng, bà chúa lựa chọn làm nơi dựng phủ, lập đệ. Theo thời gian, những vùng đất này đã trở thành nơi bảo lưu “dấu tích lưu trú” của các ông hoàng, bà chúa thời Nguyễn.
Phủ đệ là cơ nghiệp riêng do các ông hoàng, bà chúa tự lập nên bằng tiền lương và các khoản bổng lộc mà triều đình ban tặng cho họ. Tùy theo chức tước và bổng lộc mà chủ nhân thụ đắc, phủ đệ sẽ to hay nhỏ, đường bệ hay khiêm tốn. Tuy nhiên, do triều Nguyễn là vương triều “nghèo khó” bậc nhất châu Á lúc bấy giờ, nên bổng lộc mà các thân công, hoàng tử, công chúa thụ hưởng cũng chẳng nhiều nhặn gì. Vì thế, nên khi phủ đệ hư hỏng, chủ nhân không có tiền sửa chữa, phải vay mượn tiền bạc của triều đình. Theo sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, thì vào tháng 2 năm Ất Hợi (1875), Vinh Lộc quận công Miên Tri vay nợ ở triều đình 1.000 quan tiền để sửa chữa phủ đệ bị hư hỏng.
Theo quy định, mỗi hoàng thân, hoàng tử, công chúa, khi sửa chữa phủ đệ sẽ được vay 1.000 quan và mỗi năm phải trả nợ 300 quan tiền cho triều đình. Miên Tri mới vay tiền được một tháng đã tiêu hết vào việc sửa nhà, nên phải xin triều đình cho lĩnh lương trước 2 - 3 năm để trả nợ. Vị hoàng thân đứng đầu Tôn Nhân phủ là Miên Định biết được việc ấy bèn hặc tâu với vua.
Phủ đệ - nơi hình thành, bảo lưu và lan tỏa tính cách Huế
Thật ra, hoàng cung và lăng tẩm của các bậc đế vương không làm nên tính cách Huế. Đó là nơi vương giả, với những quy định nghiêm nhặt và những điều húy kỵ khiến cho chốn ấy trở nên vời xa trong mắt dân chúng. Phủ đệ mới là nơi trung chuyển lối sống và văn hóa cung đình đến với dân gian xứ Huế, từ đó, góp phần hình thành nên tính cách Huế, như nhận xét của nhà nghiên cứu Trịnh Bách: “Chính các phủ đệ của ông hoàng bà chúa đã tạo ra cái phong cách Huế cho dân đế đô, vì chúng được xây ngoài phạm vi hoàng thành, xen lẫn với phố xá làng mạc. Cư dân chung quanh ngày xưa rất hãnh diện với các vương phủ trong bản hạt của họ. Họ cung cấp mọi dịch vụ cần thiết cho phủ, và cùng lúc đó họ học hỏi phong cách sống cung đình từ người trong phủ”.
Một trong những tính cách đặc trưng của văn hóa ứng xử Huế là tính cách mệ. Tính cách này được hình thành và nuôi dưỡng từ những phủ đệ kín cổng cao tường kia. Nguyên nghĩa, mệ là từ người Huế dùng để gọi phụ nữ ngoài 60 tuổi, cũng là danh xưng mà con cháu gọi người bà của mình, là mệ nội, mệ ngoại hay mệ dì…
Song chữ mệ trong tiếng Huế còn dùng để gọi những ông hoàng, bà chúa thuộc dòng dõi Nguyễn Phước tộc, dù họ là nam hay nữ. Những người quyền quý này xưng mệ khi chuyện trò, trao đổi với người ngoài như một cách tỏ bày nguồn gốc cao quý của mình: ta đây thuộc dòng dõi quý tộc, có mối liên hệ máu mủ với đức kim thượng trong Tử Cấm Thành kia; xưng mệ là để tỏ sự phân biệt với các hạng dân khác ở đế đô.
Mệ có đời sống riêng ẩn giấu trong vòng tường của phủ đệ và mỗi khi ra khỏi lớp tường rêu phong ấy, mệ có cách hành xử riêng, vừa cao ngạo, vừa khoan dung, sẵn lòng ban ơn cho kẻ dưới, cho dẫu có lúc kẻ dưới ấy là người giàu có của cải, tiền bạc hơn so với mệ.
Khi nhà Nguyễn trở thành quá vãng, mệ không còn nguồn chu cấp, trở nên nghèo khó, nhưng ánh hào quang của địa vị xuất thân ở trong mệ vẫn còn le lói chứ không bao giờ tắt hẳn. Mệ vẫn sống lối sống phong lưu như trước, vẫn dùng lối xưng hô như cũ, ra đường vẫn quần là áo lượt, vẫn áo the quần gấm, vẫn ban phát ân sủng khi cần thiết.
Vòng tường cao cao và cánh cửa đóng kín của phủ đệ đã che giấu sự khốn khó của mệ trước những con mắt soi mói của các hạng dân thường. Chỉ khi đêm về, khi nhìn thấy tòa chính đường trong phủ đã xập xệ, giột nát, và những món đồ cổ mà “ngài ngự” ban cho lúc trước, nay đã được đổi thành những khoản tiền nhỏ để bù đắp cho những chi phí thường nhật của mệ và con cháu mệ, mệ mới cất tiếng thở dài. Nhưng rồi khi mặt trời mọc, mệ lại đường hoàng bước ra khỏi cổng phủ, gọi chiếc xích lô chở đi ăn sáng. Mệ vẫn là mệ và phủ đệ vẫn biết cách cất giấu những khốn khó của mệ, kể từ lúc nhà Nguyễn thoái trào cho đến tận hôm nay.
Lần theo dấu vết phủ đệ
Thuở hoàng kim, xứ Huế có khoảng 150 phủ đệ ở khắp trong ngoài Kinh Thành. Ký Thưởng viên của Tùng Thiện công Miên Thẩm - hoàng tử thứ 10 của vua Thiệu Trị - là vương phủ đầu tiên nằm ngoài Kinh Thành Huế, mở đầu cho lịch sử hình thành phủ đệ của các ông hoàng bà chúa ở kinh đô.
Nhà Nguyễn cáo chung, vật đổi sao đời, phủ đệ cũng theo đó mà suy tàn. Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Huế còn lưu giữ khoảng 85 phủ đệ, tập trung ở các khu vực: phía đông bắc Thành Nội, An Cựu, Kim Long, Vỹ Dạ và Gia Hội. Còn bây giờ, cho dù kín cổng cao tường thì khuôn viên phủ đệ ngày càng nhỏ hẹp dần do quá trình đô thị hóa, hoặc bị chia năm xẻ bảy bởi nạn nhân mãn. Thế giới trầm lắng, bí ẩn, luôn ẩn khuất đằng sau các cánh cửa gỗ hàng trăm năm tuổi của phủ đệ đang dần mở ra trong lòng xứ Huế đương đại.
Nhưng như thế không có nghĩa là những phủ đệ của Huế xưa đã mất dạng hoặc đang phơi ra dưới ánh mắt soi mói của người đời. Phủ đệ vẫn là nơi chốn mà mỗi lần đến Huế, du khách nên tự mình tìm đến, bước qua bậc tam quan có cánh cửa gỗ dường như luôn đóng kín, để khám phá những gì ẩn giấu bên trong. Du khách có thể làm một chuyến ngao du tìm về những phủ đệ còn sót lại ở Kim Long, Gia Hội, Vỹ Dạ, An Cựu… như tìm về những hoài niệm của Huế xưa.
Ngược lên Kim Long, du khách viếng thăm phủ đệ của các hoàng thân, công chúa triều Nguyễn và các phủ từ của họ ngoại vua Tự Đức như: Ðức quốc công từ, Diên Phước công chúa từ, Vĩnh quốc công từ, Khoái Châu quận công từ… Xuôi về Gia Hội ghé thăm phủ Thọ Xuân vương, phủ Thoại Thái vương, phủ Hòa Thạnh vương, phủ Lạc Biên… Rồi tranh thủ ghé thăm xóm Ngự Viên ở đường Mạc Đĩnh Chi, nơi còn dấu tích của dăm bảy vương phủ của các hoàng thân thuộc các triều Minh Mạng và Thiệu Trị, ghé đường Nguyễn Chí Thanh thăm phủ thờ công chúa Ngọc Sơn, con vua Đồng Khánh.
Du khách cũng có thể đi dọc đôi bờ sông Lợi Nông, bên bờ đông thì viếng thăm phủ Tùng Thiện vương, từ đường Ngọc Lâm công chúa, phủ Kiên Thái vương, phủ An Hóa công, từ đường Bái Ân công chúa hay cung An Định, vốn là phủ tiềm để của Phụng Hóa công Bửu Đảo, trước ngày ông hoàng này lên ngôi trở thành vua Khải Định; bên bờ tây thì ghé thăm phủ Kiến Hòa, phủ Mỹ Hóa…
Từ An Cựu ghé sang Chợ Cống thăm phủ Hàm Thuận công và từ đường An Thường công chúa, nơi thờ công chúa Nguyễn Phúc Lương Đức, con thứ 4 của vua Minh Mạng. Rồi xuôi về Vỹ Dạ, vốn là nơi có nhiều phủ đệ bậc nhất thuở trước, nay vẫn còn lưu dấu những vương phủ uy nghi mà du khách nên viếng thăm trong hành trình theo dấu vương phủ của Huế xưa như phủ Tuy Lý vương, phủ Diên Khánh vương, phủ Phong Quốc công, phủ Ðịnh Viễn quận vương…
Lúc ấy, du khách mới thấy Huế vẫn còn biết bao kỳ bí cần phải khám phá, cả những kỳ bí giấu sau cánh cửa phủ đệ lẫn những kỳ bí ẩn dưới tính cách lịch lãm và đài đệ của dân mệ.
Theo Vntravellive
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment