(BQN) - Nhắc đến thị xã Hồng Gai xưa (hay TP Hạ Long nay), không mấy ai không biết tới dãy núi đá vôi chạy dọc ven biển nằm ở phía nam tiếp giáp Vịnh Hạ Long.
< Khu Hồng Quảng được thành lập tháng 2/1955 gồm đặc khu Hồng Gai (hay Hòn Gai) và tỉnh Quảng Yên, trừ các huyện Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh cắt về Hải Dương, và Sơn Động cắt về tỉnh Bắc Giang. Thủ phủ là thị xã Hồng Gai (hay Hòn Gai).
Dãy núi này trở nên nổi tiếng là bởi cách đây hơn 500 năm trước, năm 1468, trong một chuyến kinh lý đi thị sát vùng Đông Bắc Tổ quốc, vua Lê Thánh Tông đã cảm tác mà viết nên bài thơ Ngự chế thiên nam động chủ đề và cho khắc lên vách núi. Từ đó núi vốn có tên là núi Truyền Đăng nhưng về sau dân gian vẫn quen gọi là núi Bài Thơ.
< Núi Ba Đèo ngày nay đã khác xưa nhiều lắm.
Từ núi Bài Thơ vào trong đất liền xưa là một vùng bãi triều, có lạch nước ngăn cách với dãy núi đất án ngữ phía bắc, gọi là núi Ba Đèo. Ai đặt tên cho núi là Ba Đèo? Phải chăng là do núi có ba đoạn uốn lượn nên gọi như vậy? Chỉ biết vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, những người nông dân từ các tỉnh phía trong, như Thái Bình, Nam Định v.v... bỏ quê hương ra làm culi Mỏ Hongay, thường lập lán trại ở khu vực mỏm phía đông của Ba Đèo, lâu dần khu ấy có tên là khu Lán Đạo.
< Khách sạn Remblai được xây dựng bên phía Hòn Gai năm 1923.
Nếu núi Bài Thơ trở nên nổi tiếng bắt đầu từ bài thơ được khắc trên vách đá của Nhà vua - Thi sĩ Lê Thánh Tông, thì núi Ba Đèo lại là địa danh được nhắc đến dưới góc độ lịch sử, đặc biệt là lịch sử thời kỳ Pháp thuộc, nhiều hơn. Từ những năm đầu tiên đặt chân lên vùng đất này, người Pháp đã tận dụng thế đất của Ba Đèo để phục vụ mục tiêu quân sự; đồng thời cho xây dựng cụm dây chuyền sàng tuyển than, bến cảng, kho bãi v.v... biến khu vực hoang sơ này thành khu công nghiệp khai khoáng để vơ vét tài nguyên mang về chính quốc.
< Cẩu pooc-tich điều khiển bằng điện được xây dựng tại bến Hòn Gai năm 1926.
Và cùng với đó, xuất hiện những cái tên dân dã như: Đề-pô xe hoả, nhà sàng Ba Đèo, Đống (kho than), Sở Cầu (cảng than), Nhà máy than luyện, Nhà máy chính (cơ khí) Hongay, Văn Phòng SFCT (Societe Frangsai des charbonnage du Tonkin), Nhà tù v.v...
Khu Ba Đèo hoang vắng khi xưa trở nên ồn ã, náo động. Ngày ngày, tiếng xích truyền động của máy xúc chạy hơi nước phát ra xọc xọc inh tai, nhất là về đêm. Vào mùa hè, ở những đống than luyện, hơi nóng nhựa vàng rung rinh mắt người nhìn. Suốt một dải từ đầu phố Lán Bè đến Bến cảng lúc nào cũng ầm ầm tiếng động và mờ mờ bụi than. Đầu máy xe hoả chạy bằng hơi nước kéo những toa than lên dốc Ba Đèo, phụt ra tàn lửa, nhiều lần thiêu trụi những lán trại của thợ mỏ. Lô cốt trên đỉnh núi và trại lính Pháp cùng nhà tù được xây dựng ngay sát bên đường là nỗi kinh hoàng cho bất cứ ai mỗi khi phải đi qua.
< Khu phố Ba Đèo - một trong những "phố trên núi" điển hình ở TP Hạ Long. Nhà thờ xứ Hòn Gai được xây dựng năm 1933.
Dân Ba Đèo và Lán Đạo đã làm những ngôi nhà đầm xỉ than dọc theo những con dốc ngược và ngoắt ngoéo đến tận bây giờ. Ba Đèo, Lán Đạo, nơi ở của thợ thuyền, trở thành nơi cán bộ Việt Minh đi về thời kỳ trước cách mạng và cả trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp…
Ba Đèo xưa là vậy. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh đến chóng mặt của TP Hạ Long, Ba Đèo đã thay da đổi thịt, với con đường 25-4 rộng rãi, khang trang, những dãy nhà cao tầng nằm ngay trên nền đất trước đây là Nhà máy Tuyển than Hòn Gai v.v...
Trong tương lai, hệ thống cáp treo xuyên Vịnh Hạ Long, vòng quay cao nhất thế giới so với mực nước biển quan sát được toàn cảnh vịnh Hạ Long, "thủy cung" phục vụ cho du khách... sẽ thay đổi hoàn toàn địa danh 'Ba Đèo' ngày xưa.
Trong đó, hệ thống cáp treo này có điểm đầu tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long xuyên qua Vịnh Cửa Lục, chạy song song theo cầu Bãi Cháy đến đỉnh đồi Ba Đèo (phường Hồng Gai). Cột tháp của cáp treo phía đầu Bãi Cháy cao 188,8m; chiều cao cột tháp trên đồi Ba Đèo hơn 133m.
Ngoài ra, cũng sẽ có một quần thể công viên trên đỉnh núi Ba Đèo gồm các khu vui chơi giải trí và thiết kế một vòng quay khổng lồ. Cuộc sống đô thị hiện đại đang làm mờ dần ký ức về một vùng đất cổ Hongay xưa, nghĩ lại thấy bâng khuâng…
Theo Nguyễn Gia Phong (Báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment