(ANTĐ) - Cách thành TP.HCM chỉ chừng 70km, Cồn Phụng còn có tên gọi khác là Cồn Tân Vinh. Đây là một cù lao nổi giữa sông Tiền, thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cồn Phụng nằm cạnh tuyến phà Rạch Miễu của Quốc lộ 60 từ Mỹ Tho sang Bến Tre.
Thuở ban đầu, cồn chỉ là một cù lao nổi giữa sông Tiền vào những năm 1930 với diện tích khoảng 28 ha, nhưng do lượng phù sa bồi đắp dồi dào mỗi năm mà nay đã lên tới trên 50 ha. Đây là một trong bốn cồn nằm trên đoạn sông Mỹ Tho được đặt theo quan niệm tứ linh mang điềm an lành hạnh phúc là: long, lân, quy, phụng. Cồn Rồng là “long”, cồn Thới Sơn là “lân”, cồn Quy (nằm phía sông Ba Lai) là “quy”, và Cồn Phụng (còn gọi là cù lao Đạo Dừa) là “phụng”.
Tên Cồn Phụng có từ khi ông Nguyễn Thành Nam đến đây xây dựng chùa Nam Quốc Phật vào hồi đầu thế kỉ XX. Khi công trình này đang xây dựng, những người thợ nhặt được một cái chén cổ có hình con chim Phụng, nên đặt tên là Cồn Phụng. Ngoài ra, sở dĩ nó còn có tên gọi khác là cù lao Đạo Dừa là do ông Nguyễn Thành Nam khi đến đây xây chùa Nam Quốc Phật, đã thành lập nên một giáo phái gọi là Đạo Dừa. Đạo Dừa chủ trương mang lại hoà bình, sống bằng hoa trái.
Cồn Phụng hấp dẫn du khách bởi sự độc đáo của những khu nhà vườn xứ dừa, nơi có một không gian xanh đặc trưng của vùng sông nước miền Tây và những vườn cây ăn trái cho quả ngọt quanh năm, những sản phẩm từ cây trái độc đáo mà cõ lẽ chỉ những ngôi nhà vườn ở nơi cồn bãi này mới có.
Đứng trên cầu Rạch Miễu đã thấy những bậc cầu thang dẫn xuống cồn, đây là con đường dành cho dân địa phương mỗi khi có nhu cầu đi lại giữa Cồn Phụng và cù lao Thới Sơn.
Từ trên cầu nhìn về hai phía, một màu xanh mát mắt trải dài theo dòng Tiền Giang, chia sông Tiền thành hai nhánh để rồi chập vào làm một ở phía hạ nguồn cách đó không xa, bởi Cồn Phụng chỉ là một cù lao nổi có diện tích khoảng 50ha với dân cư thưa thớt.
Có lẽ cũng bởi Cồn Phụng nhỏ và thưa dân như vậy, lại nằm biệt lập giữa dòng Tiền Giang nên hầu như không bị ảnh hưởng của đô thị hóa ở vùng đồng bằng Tây Nam bộ xâm lấn và tàn phá.
Ở Cồn Phụng, nhà nào cũng là nhà vườn, nhà được bao quanh, che phủ bởi màu xanh của cây trái, của dừa. Cuộc sống người dân Cồn Phụng cũng gắn liền với màu xanh của các khu nhà vườn nối tiếp nhau.
Nhìn từ trên cao, Cồn Phụng như con cá lớn nằm giữa dòng sông Tiền, con đường chính chạy dài từ đầu đến cuối cồn như cột xương sống nổi lên trên mình cá mà có nhiều đoạn, bóng dừa xanh giống như những chiếc vây che lấp cả con đường. Đặc biệt, ở Cồn Phụng còn có những xưởng làm kẹo dừa nổi tiếng, nơi du khách có thể trải nghiệm các công đoạn làm kẹo, cùng làm kẹo với người dân và thưởng thức ngay tại chỗ hương vị thơm ngon, độc đáo của đặc sản này.
Một ngày đến với xứ dừa, đến với nhà vườn Cồn Phụng. Sau những hành trình lênh đênh trên thuyền dưới bóng dừa xanh, lạc hồn vào những con đường kênh rạch không dấu vết. Du khách đừng quên thưởng thức những loại trái cây tự hái tại vườn, thưởng thức ly trà mật ong và những sản phẩm độc đáo của vùng sông nước Bến Tre, dùng bữa cơm dân dã dưới bóng dừa xanh với món cá tai tượng và ly rượu dừa thơm hòa vào lời ca tài tử. Một ngày ở xứ dừa, ở nhà vườn tuy giản đơn nhưng sẽ không thể nào quên.
Theo Vũ Thanh (An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!
Mùa hè tới Cồn Phụng ăn trái cây miễn phí
Khám phá “tứ linh” du lịch đồng bằng sông Cửu Long
Blogger Comment
Facebook Comment