Hầu hết sông ở Phú Yên có chung đặc điểm, nhập dòng lại và chảy ra biển bằng một cửa; ngoại lệ chỉ có sông Cái. Là hợp lưu của sông La Hiên, sông Kỳ Lộ, sông Trà Bương, sông Cô và mấy nguồn suối nhỏ nữa, về tới hạ lưu nó lại chia ra nhiều nhánh, chảy ra hai nơi: vịnh Xuân Đài và đầm Ô Loan. Những nhánh sông như những ngón tay trong bàn tay châu thổ xòe rộng níu giữ phù sa, mỗi mùa mưa lụt lại bồi đắp cho thêm màu mỡ.
Nơi đây là vùng đất xưa, từ thuở Lưu thủ Văn Phong vâng lệnh Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lập phủ Phú Yên, coi như hoàn thành cái ước vọng xây dựng cõi Nam Hà từ sông Linh Giang đến núi Thạch Bi, để Trấn thủ Nguyễn Phước Vinh tiếp tục củng cố sự ổn định vững bền cơ nghiệp. Nơi đây là đất lành, trên bước đường thiên di tìm nắng ấm đàn chim Việt dừng lại khá lâu để xây tổ vầy đàn. Và từ nơi đây hơn bốn mươi năm sau Hùng Lộc hầu đem quân vượt qua đèo Hổ Dương mở mang dinh Thái Khang.
< Guồng nước trên sông Đà Rằng - Phú Yên (1930).
Đời Tự Đức, Bố chánh Đinh Nho Quang tâu vua rằng địa cuộc nơi đây là bậc nhất của Phú Yên nên ngôi làng trung tâm mang tên Long Uyên, nghĩa là Vực Rồng. Chung quanh thành quách phủ lị, trấn lị nơi Vực Rồng/Vực Sâu Xa là những cánh đồng màu mỡ quanh năm lúa bắp tốt tươi. Những ngọn núi thấp rải rác yên nằm, đọc tên lên dù chưa rõ nghĩa nghe như có chút gì bâng khuâng nhớ tiếc: núi Sơn Chà, núi A Man…
Dulichgo
Mỗi địa danh mang dấu ấn một nghề thủ công tinh xảo: từ Phường Lụa qua xóm Lò Gốm xuống Hàng Dao… một cảnh trí thiên nhiên hữu tình: đây là bến đò Cây Dừa, kia là bàu Cửa Tả… hoặc một điểm sinh hoạt đông đảo: buổi sáng chợ Mai, buổi xế chợ Chiều, ngày tàn có chợ Hôm, thay đổi nhau phiên Thành, phiên Giã…
< Nhà thờ Mằng Lăng - một trong những nhà thờ cổ nhất VN, nơi đang lưu giữ quyển sách in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên.
Qua đền thờ vua Lê Thánh Tông nghĩ về cội nguồn người dân Phú Yên đặt thành câu hỏi: “Giang sơn khai thác hà niên…?”. Núi sông này khai thác tự năm nào, không phải sử sách không ghi, không phải chỉ có phụ lão tương truyền, không phải thế hệ hôm nay không biết. Câu hỏi đặt ra là muốn được trả lời rằng công ơn tổ tiên vô cùng to lớn, mãi mãi dài lâu, luôn luôn trường đối với núi cả sông sâu.
Nơi đây cũng là đất của niềm tin nhân ái, của lòng ngưỡng vọng hướng về sự siêu thoát cao minh. Năm 1641 Linh mục Đắc Lộ đã đến làm lễ rửa tội cho giáo dân, trong đó có người sau này được phong Thánh chân phước là Thầy giảng André Phú Yên. Thiền sư Liễu Quán, người rất có công trong việc Việt hóa Phật giáo xứ Đàng Trong, mở ra một thiền phái mang tên ngài, xuất gia quy y tại chùa Hội Tôn khoảng năm 1672. Có phải đây là ngôi chùa xưa nhất của Phú Yên, mặc dù trước đó đạo Phật đã phát triển?
< Quang cảnh tháp mộ trong khuôn viên di tích chùa Cổ Lâm - Hội Tôn.
Cũng như nhà thờ đầu tiên của Phú Yên tại Mằng Lăng mãi đến năm 1892 mới được Linh mục Joseph La Cassagne xây dựng? Bên ngoài và thật gần với nhà thờ hiện nay còn những chứng tích của một thời tôn giáo song song phát triển. Một ngôi tháp xưa, thân tháp tuy bị trầy tróc nhưng còn khá nguyên vẹn, phần dưới bị đất bồi lấp. Tấm bia phía trước chỉ đọc được ba chữ rời rạc cách quãng nhau: hóa… tự… mẫu.
Dulichgo
Theo các vị chức sắc Phật giáo thì ngày xưa chùa Hội Tôn bao gồm hết cả khu vực rộng lớn, bây giờ là nhà thờ và khu dân cư, kiểu kiến trúc này là tháp Hòa thượng, nhưng không biết tháp của ngài nào. Bên cạnh ngôi cổ tháp là một khu mộ của một dòng họ với nhiều kiểu mộ. Hai ngôi lớn xây thành chung quanh, chính giữa đổ cát, là mộ ông cố, bà cố của một gia đình ở gần, họ cho biết an táng cách nay khoảng 100 năm.
Mấy ngôi mộ xưa kiểu kiều ngựa, nơi chân sát mặt đất đắp hoa văn bông sen, phía trước lờ mờ dấu hình chiếc lư hương. Mấy ngôi mộ hình chữ nhật xây cao, phía trước có đắp hình thánh giá cũng đặt trên lư hương. Mấy ngôi nữa thành mộ thấp, bên trên xây kín có đắp hình thánh giá. Có lẽ ngày xưa dòng họ này là người theo phong tục thờ cúng tổ tiên hoặc quy y Phật giáo (mộ kiểu kiều ngựa, hoa văn bông sen), sau đó chịu rửa tội theo Công giáo (mộ hình chữ nhật xây cao, thánh giá phía trước) và tiếp tục đến nay (mộ xây thánh giá phía trên và hai ngôi mộ đổ cát).
Cách nhà thờ Mằng Lăng khoảng nửa cây số có núi Sơn Chà, một ngọn núi thấp nằm trong châu thổ Tuy An, sỏi sạn khô cằn, cây cối xơ xác, màu xanh đang thành phơi bạc trong cái nắng nung của tiết tiểu thử. Đây là di tích chùa Cổ Lâm, do chùa Hội Tôn từ Mằng Lăng dời về. Từ chân núi lên khu tháp không xa, khoảng trên 50 bậc đất đá cao thấp (không phải xây hay chất ngay thẳng) hơi quanh co và tiếp một đoạn ngắn.
< Đường ven núi Sơn Chà.
Khu tháp có 10 ngôi, 6 tháp Hòa thượng, 1 tháp Đại đức và 3 tháp Ni cô. Trong đó qua một tấm bia tân tạo biết được tháp của Hòa thượng Diệu Thiện đời thứ 40 phái Lâm Tế, so với ngài Liễu Quán đời thứ 35. Nhưng không rõ có phải ngài là vị khai sơn chùa Cổ Lâm? Còn 5 tháp kia không rõ là của ngài nào. Dưới chân núi còn có 2 ngôi tháp nữa… Những người nghiên cứu lịch sử Phật giáo Phú Yên cũng chưa tìm được câu trả lời. Khu mộ tháp này với lối kiến trúc tương tự, có vẻ như xây dựng một lượt, phải chăng là từ Hội Tôn cùng cải táng qua. Nếu như vậy tại sao một ngôi tháp vẫn còn ở Hội Tôn?
Dulichgo
Trong vùng này có nhiều chùa, nhiều nhà thờ, nhà nguyện. Đi dọc sông Phường Lụa sẽ đến chùa Châu Lâm, nơi nhà văn Võ Hồng gởi gắm nhiều kỉ niệm trong tác phẩm Mái chùa xưa. Dòng sông chảy sát xóm nhà, gần đường đi. Phía trên đường là nhà Người Bác của Võ Hồng, nhân vật chính của tác phẩm Người về đầu non, người đã nuôi Võ Hồng ăn học lớn khôn. Phía dưới là nhà cha mẹ Võ Hồng. Có thể hình dung ra…nơi mé sông ấy, buổi sáng mùa đông thời thơ ấu Võ Hồng đã nhìn thấy và tri hô lên cho cả bọn trẻ cùng biết cái tin sốt dẻo: nước đã lên, nước đang lên, lụt rồi, lụt rồi…
Chùa Châu Lâm trên lưng chừng núi A Man, phía trước là cánh đồng rộng mang tên Đồng Mạ, vì vậy dân chúng quanh vùng gọi là chùa Đồng Mạ. Chùa mới được trùng tu, vách sơn màu lam, một cây mít tơ cao chất chồng dắt díu nhiều trái đang độ nở gai già dặn. Ngồi dưới gốc mít nhìn thấy bao quát từ Đồng Mạ ra xa hơn nữa. Nhà văn Võ Hồng đã viết nhiều về quê kiểng Phú Yên. Điều nhiều người cảm thấy là dưới ngòi bút của ông nông thôn Phú Yên lúc nào cũng xanh biếc cỏ non, ngát thơm hương lúa, xinh đẹp như những bức tranh màu nước trên lụa, những bức tranh phấn tiên trên giấy nhung, như những bài thơ tiền chiến, con người dẫu thất tình thất thế cũng dịu dàng lịch sự. Hình như ông không muốn đào sâu xới kỹ hơn, sợ sẽ bật tung lên đất đá khô cằn. Thế hệ nối tiếp viết về Phú Yên những mong lục lọi phơi bày ra một bên những đắng cay chua chát mỉa mai, tiếc rằng chưa đủ duyên nghiệp và thời vận.
Từ buổi ban đầu không biết ai đã chủ trương gọi là Phú Yên thay vì Phú An như thường lệ. Nhưng thoạt nhìn mặt chữ thì người ta đọc ngay là Phú An. Vì vậy trên nhiều bản đồ xưa các giáo sĩ Tây Phương ghi vùng này là Dinh Phoan, tức là Dinh Phú An = Dinh Phú Yên. Gọi là Dinh Phú An nghe đài các xa lạ, Dinh Phú Yên gần gũi thân mật hơn, còn Dinh Phoan có cái dễ thương của người ngoại quốc bập bẹ tiếng Việt, cũng như những em bé lên ba lên năm đang tập nói. Từ dưới gốc mít tơ chùa Châu Lâm ngẩng lên, gần sát bên là mấy đỉnh tháp, có thể hình dung ngay chỗ kia là gác chuông nhà thờ. Trời mùa hạ xanh thật xanh, mây dày đặc và trắng nõn khắp cả Dinh Phoan.
Trần Huyền Ân (Báo Phú Yên), ảnh internet
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment