(VH&ĐS) - Sầm Sơn không chỉ hấp dẫn du khách bởi bãi biển trải dài, thơ mộng, mà chuỗi di tích phân bố khắp thị xã cũng là những nơi không nên bỏ lỡ khi thực hiện một kỳ nghỉ ở đây.
Đây có lẽ cũng là một nét đặc biệt của mảnh đất ven biển khi hầu như phường, xã nào cũng có đền, chùa, miếu, mạo. Điều đó phần nào nói lên đời sống tinh thần phong phú cũng như bề dày văn hóa của cộng đồng dân cư nơi đây.
Từ điểm đầu cực Bắc xã Quảng Cư lên tới dãy Trường Lệ (phường Trường Sơn) ở phía Nam có tới 16 đền, chùa, trong đó có 5 đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
< Bậc thang lên đền Độc Cước.
Để ghé thăm chuỗi di tích này, giao thông và phương tiện khá thuận tiện. Mỗi công trình ứng với một khoảng thời gian lịch sử, một nét kiến trúc riêng. Hành trình khám phá các điểm du lịch tâm linh sẽ tăng thêm sắc màu cho kỳ nghỉ bên bờ biển.
Điểm đến đầu tiên của bất kỳ du khách nào khi về Sầm Sơn có lẽ là đền Độc Cước. Nằm trên hòn Cổ Giải thuộc phía Bắc dãy núi Trường Lệ, đây là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng gắn với huyền thoại về vị thần Độc Cước tự xẻ thân mình dẹp loài thủy quái bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân lành. Đền được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1962. Hằng năm nhiều lễ hội được tổ chức tại đây như: Lễ hội Cầu Phúc (16/2 Âm lịch), Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy (12/5 Âm lịch) thu hút hàng ngàn du khách thập phương về tham dự.
< Đền Cô Tiên.
Đền Cô Tiên ngự trên hòn Đầu Voi, phía Nam dãy Trường Lệ thờ mẫu Liễu Hạnh. Tựa lưng vào vách đá nhìn ra hướng biển, bên kia vụng Ngọc, bên này vụng Tiên, đền Cô Tiên nằm ở vị thế hùng vĩ mà nên thơ.
Gắn với ngôi đền có nhiều truyền thuyết huyền thoại hấp dẫn, mang đậm tính nhân văn và nổi tiếng linh thiêng. Đền được xây dựng từ thời Trần và được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1962.
< Đền Tô Hiến Thành.
Đền Tô Hiến Thành nằm ở phía Đông Bắc dãy Trường Lệ. Từ đền Độc Cước nếu di chuyển lên đền Cô Tiên bằng phương tiện giao thông, du khách sẽ đi qua đền Tô Hiến Thành.
Đền thờ quan Thái úy Tô Hiến Thành, một vị quan thanh liêm, công minh, chính trực thời Lý, có công lớn trong việc trị an và tổ chức khai hoang lấn biển. Đền được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1962.
< Đền Cá Lập.
Đền Cá Lập tọa lạc tại khu phố Thọ Xuân (phường Quảng Tiến) thờ Tây phương Thành hoàng xã Quảng Tiến, là vị tướng quân có nhiều cống hiến trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông của dân tộc. Ông từng được Triều đình giao đưa quân trấn ải vùng cửa biển xung yếu làng Cá Lập. Sau đó, cũng trong một trận quyết chiến tại cửa Hới, ông đã hy sinh. Để tưởng nhớ công lao vị anh hùng, nhân dân trong vùng đã lập nên đền Cá Lập để thờ phụng. Năm 1999 đền được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
< Đền Đề Lĩnh.
Đền Đề Lĩnh thờ Thành hoàng làng Lương Trung Đường Công Quang Lộc, là Tứ trụ triều đình thời vua Lê Tương Dực.
Ông là người có công trấn giữ vùng cửa biển xung yếu Sầm Sơn, khai dân, lập ấp. Đền thuộc phường Trung Sơn ngày nay, được xếp hạng di tích Quốc gia từ năm 1993.
< Chùa Khải Minh.
Chùa Khải Minh tọa lạc ở khu phố Bình Sơn (phường Bắc Sơn) được xếp hạng di tích cấp tỉnh từ năm 1994. Dù nằm sát khu trung tâm thị xã nhưng ngôi chùa còn giữ được nét thanh tịnh hiếm có. Hiện chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như chuông đồng, khánh đá, tượng Phật…
< Chùa Khải Nam.
Chùa Khải Nam được xem là ngôi chùa có số phận ly kỳ bậc nhất của Phật giáo xứ Thanh. Sau khá nhiều lần trùng tu, dời chuyển, hiện ngôi chùa tọa lạc tại khu phố Thọ Xuân (phường Quảng Tiến). Chùa nằm đối diện với đền Cá Lập, có địa thế đẹp, thoáng đãng, trấn giữ cực Bắc của Sầm Sơn. Thăm Khải Nam, du khách chắc hẳn sẽ ấn tượng với lối kiến trúc tinh tế đến từng chi tiết của ngôi chùa.
Ngoài những điểm đến tiêu biểu kể trên, du khách còn có thể ghé thăm đền Lương Trung (phường Bắc Sơn), đền Bà Triều (phường Trung Sơn), đền Họ Trần (phường Quảng Tiến), phủ Đô Hầu, đền Thanh Khê (xã Quảng Cư)… để tìm hiểu thêm nét văn hóa độc đáo ở một đô thị du lịch hiện đại.
Theo Nguyên Mai (Văn Hóa & Đời Sống)
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment