(TTO) - Một năm hai ba bận, cứ khi vụ mùa đã gặt hái xong, thời gian nông nhàn đến, các chị các cô ở các huyện ngoại thành (Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ… ) lại thong thả chở đậu tương (đậu nành) tươi vào các phố Hà Nội để bán cho các bà nội trợ mua về luộc ăn.
Từ lâu lắm món đậu tương tươi luộc đã trở thành món khoái khẩu của nhiều người dân Hà Nội.
Vào mùa, đi đâu trên đường phố Hà Nội cũng dễ dàng bắt gặp những xe thồ chở đậu tương bán rong như thế. Người ở xa thì xe máy, người ở gần thì xe đạp, với hai cái sọt hai bên hay cái cáng ở giữa được chất đầy những bó đậu tương tươi, các chị các cô lại rong ruổi khắp các phố phường, ngõ ngách, mang món ăn quê bình dị, tươi ngon tới cho những người dân phố thị.
Bán đậu tương tươi thì không cần rao nhiều như bán các thức khác, vì ai đã ăn rồi, đã lỡ ghiền rồi mà nhìn thấy những xe hàng chất đầy ăm ắp những bó đậu tương xanh tươi sai trĩu những quả ấy thì kiểu gì cũng phải mua một vài bó về ăn cho thỏa.
Mua đậu tương tươi dễ dàng lắm, chẳng cần chọn lọc gì nhiều, vì người bán đậu cũng đã căn chỉnh rất chuẩn, để đậu tương mang bán phải là thứ đậu tương bánh tẻ, hạt đã no, căng, mẩy, nhưng hãy còn mềm, xanh tươi, bán cho khách luộc lên mới ăn được. Những loại đậu già quá hay non quá, khách sờ vào là biết ngay, chẳng thể nào bán được vì đậu non quá mà luộc thì ăn rất nhạt, còn già quá luộc lên thì hạt sẽ cứng, chẳng thể ăn nổi.
Những bó đậu tương tươi đã được cắt bỏ gốc, tỉa sạch lá, chỉ còn lại những cành sai trĩu những quả là quả mà xanh tươi đến mát mắt. Nhặt lấy một vài bó ưng mắt mang về. Thế là tới chiều tối cả nhà đã có món ăn vặt khoái khẩu để nhâm nhi.
Mua đậu tương dễ dàng, mà luộc đậu tương cũng dễ dàng không kém. Bó đậu tương mang về nhà chỉ việc lấy kéo tách quả ra khỏi cành rồi đem rửa sạch là mang đi luộc được.
Cho quả đậu và nước xâm xấp vào nồi, ai thích ăn giòn thì luộc chừng 15-20 phút, ai thích ăn nhừ thì luộc lâu hơn. Khi luộc nhớ cho một nắm muối vào nồi luộc cùng. Muối sẽ làm cho quả đậu giữ được màu xanh tươi ngon mắt, nhưng quan trọng hơn là khi ăn, vị mằn mặn của muối thấm vào hạt đậu, làm vị ngọt ngon tươi non của nó tăng lên gấp bội phần.
Nếm đậu chín vừa khẩu vị rồi đổ ra rổ, để cho ráo nước và bầy lên đĩa. Thế là đã có thể thưởng thức bất kỳ lúc nào.
Món đậu tương tươi luộc ăn khi còn nóng ấm là ngon nhất. Nhưng cũng có nhiều người thích để nguội mới ăn, bởi khi đó hạt đậu đã quánh lại nên ăn có vẻ giòn và mát hơn. Nhiều người còn luộc đậu xong rồi mang bỏ vào ngăn mát tủ lạnh một lúc mới mang ra ăn.
Nhưng dù cách ăn thế nào đi nữa, thì những hạt đậu nành tươi luộc vẫn cứ mê hoặc như thế. Bởi cái vị bùi bùi của hạt đậu đã bắt đầu căng mẩy; cái giòn giòn của những hạt đậu hãy còn tươi, non; cái beo béo mà chỉ hạt đậu nành và những hạt họ đậu mới có; cái hương thơm tươi mới của đồng quê theo về trong hạt đậu - ăn vào đến đâu là mát mẻ, là mê mẩn cả cõi lòng đến đó!
Buổi tối cả gia đình quây quần bên chiếc tivi, hay ngồi đoàn tụ bên bàn uống nước, mang đĩa đậu tương tươi luộc ra cùng nhau thưởng thức thì chẳng còn gì thích thú bằng. Vừa thong dong trò chuyện vừa thư thả bóc đậu xanh ăn, ngon miệng chẳng muốn dừng tay. Loáng một cái đĩa đậu đã hết lúc nào không biết. Tiêng tiếc, thèm thèm!
Mùa đậu tương tươi về trên phố rất ngắn, chỉ một đôi tuần là hết. Vì giai đoạn đậu bánh tẻ luộc ăn được qua rất mau. Vậy nên khi mùa về, nhiều người Hà Nội ghiền món này còn mua cả chục bó về cất vào ngăn mát, ngăn đá tủ lạnh để luộc ăn dần. Thế mới biết sức hấp dẫn của món ăn ngon và lành này “ghê gớm” như thế nào!
Còn bạn, bạn đã ăn món này bao giờ chưa? Nếu chưa thì mùa này hãy thử một lần nhé. Vừa là để ủng hộ các bác nông dân, vừa rất tốt cho sức khỏe. Mà biết đâu sau khi ăn xong, bạn lại thêm được một món vào list favourite (danh sách yêu thích) của mình!
Thông tin dinh dưỡng
Theo các nhà khoa học, trong đậu tương (đậu nành) có đủ các acid amin cơ bản như isoleucin, leucin, lysin, metionin, phenylalanin, tryptophan, valin. Ngoài ra, đậu tương được coi là một nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh vì chứa một lượng đáng kể các amino acid không thay thế cần thiết cho cơ thể.
Các thực phẩm làm từ đậu tương được xem là một loại "thịt không xương" vì chứa tỷ lệ đạm thực vật dồi dào, có thể thay thế cho nguồn đạm từ thịt động vật. Thậm chí, lượng đạm (protein) trong 100g đậu tương có thể tương đương với lượng đạm trong 800g thịt bò.
Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy protein đậu tương có thể giúp ngăn ngừa và điều trị tăng huyết áp. Chất isoflavones trong đậu tương có thể giúp ngăn ngừa ung thư, bệnh tim và bệnh loãng xương. Những người thường xuyên tiêu thụ thực phẩm làm từ đậu nành sẽ có mức độ cholesterol trong máu lành mạnh.
Theo Sở Nông nghiệp các tiểu bang Hoa Kỳ, các chất dinh dưỡng trong đậu tương là tốt nhất khi được ăn tươi. Cũng theo các kết quả nghiên cứu, ăn đậu tương tươi còn có thể ức chế sự phát triển của ung thư tuyến tụy.
Theo Iris Trương (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment