(NLĐ) - Làng nghề làm thuyền thúng hơn 100 năm tại thôn Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên là một trong số ít làng nghề có sự hồi sinh mạnh mẽ.
Bước vào thôn Phú Mỹ, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt khách thập phương là hàng trăm chiếc thuyền thúng bóng mướt, to có, nhỏ có, được úp gọn dưới chân cầu Nhân Mỹ chờ xe đến vận chuyển đi tiêu thụ.
Làm chơi, ăn thiệt
Chúng tôi ghé vào gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết (45 tuổi), người có thâm niên hơn 10 năm trong nghề làm thuyền thúng. Ở một góc sân, chồng bà đang lúi húi chặt tre trong khi 2 con cặm cụi đan mê, lận vành thúng dưới khuôn đất. “Nghề này già trẻ lớn bé đều làm được, chỉ cần chịu khó một chút, vừa tận dụng được thời gian rỗi vừa có thu nhập ổn định nên rất đông người theo làm” - bà Tuyết bộc bạch.
Tay cầm rựa thoăn thoắt vót nan, bà Tuyết cho biết hiện nay, nghề này đã được nhân rộng ra nhiều thôn, xã nhưng không thôn nào tập trung nhiều hộ làm như ở Phú Mỹ.
Quả vậy, đi từ đầu tới cuối thôn, tôi thấy nhà nhà đều làm thuyền thúng. Tre chất đầy, thúng úp kín từ trong nhà ra ngoài ngõ, phân bò khô dùng để trét thúng vương vãi khắp nơi. Phụ nữ, trẻ con, đàn ông mỗi người một việc.
Vừa đan mê thúng, con trai bà Tuyết vừa liên tục vẩy nước vào các nan tre. Khi tôi hỏi, cậu giải thích: “Vẩy nước khi đóng nan sẽ giúp các nan tre khít chặt lại với nhau, có như vậy mới tăng độ bền của thúng”. Để tiết kiệm, mỗi hộ ở đây đều tự túc nhân lực, hầu như thành viên nào cũng biết làm thuyền thúng, chỉ khi nào đơn hàng nhiều làm không kịp thì mới thuê người ngoài.
79 tuổi đời với hơn 60 năm tuổi nghề, ông Trương Văn Tấn được xem là cao thủ trong nghề làm thuyền thúng.
Ông kể rằng nghề làm thuyền thúng ở đây tồn tại đã hơn 1 thế kỷ. Trước đây, Phú Mỹ là thôn thuộc diện nghèo nhất nhì huyện Tuy An, thu nhập chính của người dân là từ trồng hoa màu và đánh bắt cá ven sông. Khi nông nhàn, phần lớn trai tráng trong thôn phải lặn lội tứ xứ để làm thuê kiếm sống. Gần 10 năm trở lại đây, khi nghề làm thúng chai hồi sinh, cuộc sống của nhiều hộ dân được cải thiện đáng kể. Toàn thôn có hơn 40 hộ làm nghề với nguồn khách hàng khá ổn định.
Với sự xuất hiện của các loại thúng nhựa composite mẫu mã đẹp và nhẹ, những tưởng thúng chai sẽ phải chật vật cạnh tranh. Thế nhưng, thúng chai Phú Mỹ vẫn có chỗ đứng trên thị trường. “Thúng nan rách còn đem về trét và vá lại được, còn thúng nhựa nếu bị vỡ do đâm va thì chỉ đem bán ve chai. Bởi vậy, dân ở thôn không lo thất nghiệp” - ông Tấn khẳng định.
Gìn giữ nghề truyền thống
Để hoàn thành một chiếc thuyền thúng, cần sự phối hợp của một nhóm thợ, bắt đầu từ việc chọn và đo tre, chẻ và vót nan rồi đan mê, sau đó đào khuôn đất rồi bỏ mê vào dộng chày cho chạy đều khắp khuôn thành hình cái thúng.
Tiếp đó, người thợ sẽ lận thúng, dùng cước chuyên dụng để cố định vành, gỡ đưa lên mặt đất rồi tiến hành trét phân bò và dầu rái xen kẽ với việc phơi nắng. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm phải hết sức tỉ mỉ và chỉn chu.
Ông Tấn cho biết tre làm thuyền thúng phải là loại 1-1,5 năm tuổi, không non cũng không già thì thúng mới bền chắc. Ngoài ra, phân bò và dầu rái là nguyên liệu làm chất kết dính chống thấm nước. Với kinh nghiệm làm nghề lâu năm, ông Tấn phân tích: “Lận thúng là khâu tốn sức và cần nhiều kinh nghiệm, do vậy thợ trên 18 tuổi mới được đảm trách. Tuy nhiên, khó nhất vẫn là khâu trét thúng, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ”.
Nhiều hộ dân cho biết dù thuyền thúng có đẹp đến đâu nhưng nếu thấm nước thì coi như công sức đổ sông đổ biển. Anh Lộc, một người làm thuyền thúng lâu năm, tiết lộ: “Để thúng không thấm nước, sau khi trét phân thì phải chà đi chà lại cho đến khi nan tre bóng lên và lấp kín các khe thúng. Ở trong thôn, mỗi hộ dân đều giữ bí quyết trét thúng riêng, xem đó là cách để giữ khách”.
Mẫu mã đẹp và chất lượng tốt nên thúng chai Phú Mỹ được ngư dân khắp cả nước ưa chuộng. Sản phẩm có đầu ra nên mỗi hộ thu nhập từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/tháng.
Theo Lê Thúy (Người Lao Động)
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment