(DVO) - Cá tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long nhiều vô kể. Làm cách nào bắt được chúng để phục vụ cho bữa ăn thêm phong phú là điều mà cư dân miệt này phải tính đến. Một trong dụng cụ được chế ra đơn sơ nhưng hiệu quả là cái lờ.
Để có được cái lờ, khi nông nhàn, người dân quê ra những bụi trúc, tre trồng ngoài vườn lựa những cây già ngả màu vàng óng đốn về rồi chẻ ra thành nan. Lờ bắt cá sặt đan bằng nan trúc, người ta chuốt nan rất bóng, còn lờ đặt tôm thì dùng tre chẻ nan nghiêng thôi rồi lấy bùi nhùi đốt lên thui cho nan sạch những sợi tre nhỏ còn dính để sau này dễ đươn và khỏi bị đóng rong.
Khác với lọp, lờ chỉ đươn thành mê dài cỡ thước tây, rộng chừng sáu, bảy tấc. Nan lờ mảnh. Trúc chẻ nhỏ và vót sơ, rồi dùng tay đươn long mốt như đươn rổ, cọng dọc, cọng ngang bắt nhau thành những lỗ vuông chừng một phân rưởi nếu lờ đặt tôm; còn lờ bắt cá sặt thì lỗ lờ nhỏ hơn.
Lờ tôm, lờ cá sặt không cần làm vành, bởi hình dạng hai loại lờ này rất đơn giản. Đối với lờ tôm, sau khi đươn xong những miếng mê lờ như cái vỉ phơi cá khô, người ta mới cuốn hai đầu mê lại thành hình ống, rồi lấy dây lạt tre mà buộc hai mí lờ này lại. Sau đó mới ráp mặt lờ hình vòng tròn vào mặt trước với cái hom lờ cũng bóp bằng tre rất bóng; mặt sau ráp cái đít lờ hình tròn đều.
Còn lờ cá sặt công phu hơn nhiều. Nan lờ loại này chẳng những phải chuốt cho nhuyễn và bóng láng, hom lờ cũng thiệt là bóng bện bằng lạt cà bắp từ những cọng tre che nhỏ như tăm xỉa răng, nhưng dài hơn. Hom lờ hình phễu, được cột vô hai mặt trước và sau của lờ. Tuy nhỏ và yếu vậy, nhưng cá chui vào chưa dễ đã chui ra. Dân gian dặn rằng:
Chớ nghe lời phỉnh, tiếng phờ/ Thò tay vô lờ mắc kẹt cái hom.
Lờ cá sặt, đặc biệt là không có đít lờ như lờ tôm, nên làm loại lờ này rất tốn công. Khi ráp cái mê lờ cá sặt thì không buộc tròn như lờ tôm. Người ta kéo bốn góc mê lờ sao cho cái lờ có cái bụng nhô lên một chút và có hình như cái bánh ú, mà đỉnh cái bánh ú này là cái cửa trống nằm ngay trên lưng của cái lờ rồi cũng dùng dây lạt buộc hai mí lờ giáp với nhau này. Khi đặt lờ sao cho miệng của nó nằm khỏi mặt nước, vừa để cá không nhảy ra được. Chỗ này cũng còn để trút cá ra xuồng mỗi khi dỡ lờ.
Có lờ rồi đem đặt nó ở đâu? Dân gian miền Tây Nam bộ thường hay kể chuyện tiếu lâm để cười vui trong các đám tiệc cưới hỏi liên quan đến việc đặt lờ. Xin lược ghi lại đây hầu chia sẻ với người đọc thêm phần sảng khoái. Chuyện kể rằng có anh Út Khờ chẳng biết làm ăn gì. Tía má cưới vợ cho rồi mà vẫn ngủ thẳng cẳng tới mặt trời mọc. Ngày ấy, chị vợ mua cho mấy cái lờ, biểu anh chồng đi kiếm cá về ăn. Út Khờ lớ ngớ hỏi đặt lờ ở đâu? Vợ anh ta bảo: Hễ chỗ nào có cứt cò nhiều là chỗ đó cá nhiều, bởi cò đến đó rình ăn cá.
Út Khờ quảy lờ đi, thấy trên đọt cây cao cứt cò trắng xóa. Anh ta leo lên đặt lờ trên ngọn cây. Người qua đường thấy lạ, hỏi cơ sự. Khờ thật thà kể lại rằng vợ anh dặn vậy. Khách cười rồi chỉ thêm: Phải có nước thì mới có cá. Nước nổi bọt là nơi cá làm ổ, cứ đến đấy đặt lờ sẽ chắc ăn!
Mừng quýnh anh ta chạy vội đi tìm, mãi đến chiều về đến bên hè mà không dám vô nhà vì chẳng bắt được con cá nào. Chợt thấy đường mương thoát nước thải từ nhà chảy ra, lại có bọt nổi, anh ta mau mau đem lờ đến đó để đặt. Nghe động chị vợ vội kéo quần chạy ra, sẵn có chiếc đũa bếp khệnh lên đầu Khờ mấy cái … vì cái tội chẳng chịu hiểu biết!
Thực tế, đối với cách đặt lờ tôm, khi đã chuẩn bị xong, người ta lờ xuống xuồng rồi bơi dọc theo các sông rạch mà chọn nền đặt lờ. Thường thường những cựa gà, những ngả ba kinh phèn và các lung vũng có nhiều rong hay mấy chỗ đầu voi đuôi vịnh, mấy chỗ nước hay vận, có chút ít cỏ ống, cỏ mồm là nơi tôm khoái kiếm ăn.
< Sặc bướm hay chui vô lờ.
Người ta ngồi trên xuồng, vừa bơi vừa chọn nền. Gặp chỗ ưng ý là gác dầm lên xuồng, thò tay lấy cái lờ có mồi, và tay kia lấy cây móc dài chừng năm tấc, xỏ cho xiên qua lờ. Người ta dùng một cây móc bằng ngọn tầm vong dài cỡ vài thước, một đầu có tra cọng dây kẽm uốn cong như lưỡi câu, dò dò tìm chỗ cho êm và thả cái lờ xuống , mặt lờ xuôi theo chiều nước chảy, rồi lấy cây móc ấn cái lờ xuống cho yên vị xong xuôi, người ta mới thò tay cắm cái cây móc nhỏ xiên qua thân lờ cho lờ đừng bị trôi. Sau cùng, người ta phải gút cỏ làm dấu. Nếu quên, khi dỡ lờ dễ bị lạc, mất lờ như chơi bởi không sao nhớ nổi lờ đặt ở đâu?
Dân quê ngày xưa, dù biết những chỗ làm dấu như vậy là có lờ, lọp ở dưới nước, nhưng ít tham lội xuống mò dỡ lờ người khác. Thường lờ bị lạc là do nước cuốn trôi chứ ít khi bị mất cắp. Đặt xong cái lờ này rồi, tìm chỗ đặt cái kế tiếp cho đến hết mới bơi xuồng về nghỉ ngơi chờ sáng hôm sau mới thăm lờ. Người ta cũng chỉ bơi xuồng bơi dỡ lờ chứ không cần lội xuống nước. Tay cầm dâm bơi, vừa điều khiển xuồng, tay kia cầm cù móc thò xuống nước móc lờ lên.
< Những con cá chốt … mê lờ!
Những con tôm càng mê ăn dừa cứng cạy hay khoai mì được người đặt để trong lờ nhử chúng giờ đã năm gọn trong lờ thúc thủ, chỉ còn biết nhảy lách chách trong tuyệt vọng, ngày xưa, đặt lờ kiểu này tôm chạy nhiều thấy mà ham, Thứ tôm càng về nướng rơm cắn với cục muối hột hì đã đời không gì bằng.
Nửa đầu thế kỷ trước, các bậc cao niên cho biết cữ vào mùa nước lũ, trên những cánh đồng hoang mênh mông như biển nước, người dân cũng bắt đầu đem lờ tôm đi đặt. Lội tìm những chỗ lung sâu, nhứt là nơi có nước cỏ trong vắt, thì chắc ăn sẽ có tôm bén mảng đến. Gặp mồi dừa, hay khoai mì sáng bóng trong lờ là chúng tìm cách chui vô. Bởi vậy, sáng ra, chịu khó lội quảy mấy cái lờ về là đã có đồ ăn sáng như chơi. Nhiều ăn không hết thì chèo xuồng bán dạo trong xóm lấy ít tiền mùa những thứ cần thiết khác.
Cá sặt miệng nhỏ nên gần như không thể câu dính. Dân quê chỉ còn dùng lờ, lọp hay giăng lưới bắt nó mà thôi. Thường thường lúc sa mưa, nước ngoài ruộng còn ít, cá sặt cũng bắt đầu dợm mé lên đồng. Loài cá này thích đi theo ở trong các lung đầy bùn trấp, các ao hồ, đìa bàu và chúng cũng khoái ở các con kinh phèn nhiều cỏ lác, đưng, đế, năng, sậy, rong, rêu và sẵn sàng làm ổ ngay các miếng lung bàu đó. Dấu hiệu dễ nhận biết là những ổ bọt nổi đầy mặt nước theo các bụi cỏ ở nơi này. Khi nước lên ngang đầu gối, người ta bắt đầu xuống lờ cá.
< Tôm càng xanh đánh bắt được từ lờ.
Lờ cá sặt đặt khác với cách đặt lờ tôm. Lờ tôm đặt ngầm, còn lờ cá đặt nổi, với gần cả thân lờ nằm dưới nước phần còn lại với cái miệng lờ nằm phía trên mặt nước. Người ta chọn nền xong là vẹt cỏ ra và đặt cái lờ xuống ngay chỗ vừa chọn, rồi lấy cỏ đậy lên miệng lờ cho cá khỏi nhảy ra ngoài. Nếu nước quá sâu, người ta đặt lờ bằng cách guộn cỏ thành một nùi sao cho cái lờ nằm trên nùi cỏ này mà không chìm thì được. Sau cùng, người ta mới gom mấy ngọn cỏ chung quanh buộc choàng lờ lại cho nó không bị trôi và gió không làm cho lắc lư. Theo kinh nghiệm dân gian, giống cá này lội kiếm ăn theo dòng nước chảy. Nên khi đặt lờ, cái chánh là phải xoay hai hom lờ về hướng dòng nước chảy. Vậy cá mới chạy nhiều.
Dân gian mượn hình ảnh chạy lờ dể bóng gió ám chỉ bài học cho người đời rằng:
Cá trong lờ lờ đờ ngoắc ngoải/ Cá ở ngoài khắc khoải chun vô.
Tình cảnh cá trong lờ được dân gian khéo ví với hoàn cảnh của người nào đó chẳng may gặp cảnh ngộ trái ngang trong cuộc đời:
Thân em như cá trong lờ/ Hết nơi vùng vẫy không biết nhờ nơi đâu.
Điều thú vị hơn nữa mà không phải ai cũng rành, xin thuật lại nghe chơi. Lờ tôm hay lờ cá sặt cũng vậy, khi có cá, tôm chạy vô rồi, ai đó lội ngang rắn mắc thò tay dỡ lên coi thử rồi lại đặt xuống y trả cho chủ nó, thì hôm sau cái lờ đó không còn sót con nào làm thuốc. Người ta tin rằng khi dỡ lên khỏi mặt nước cá, tôm sẽ thấy hôm lờ chỗ nào và tìm đường chạy trốn hết ra ngoài sông rạch hay đồng ruộng. Dân gian gọi là bị sẩy. Họ ngâm nga để chia sẻ bởi công sức tiếc hùi hụi:
Tiếc công anh chẻ trúc đan lờ/ Để cho con cá vượt bờ đi xa.
Ngoài cách đặt lờ tôm, lờ cá sặt, còn cách đặt lờ bắt cá chốt nữa. Khi những cơn mưa rào đầu mùa vừa trút xuống. Sấm chớp vang rền, mây, giông mù mịt cũng là lúc ven các con rạch hay mương nước thông liền từ sông lên ruộng thế nào cá cũng kéo từng bầy lê đồng. Dân gian gọi là mùa cá lên. Để chặn bắt chúng, nhất là đám cá chốt, người ta đem lờ đặt ngay những dòng nước đó. Miệng lờ thuận theo chiều nước chảy. Có lờ khi dỡ lên, cá chốt vô đầy hơn phân nữa. Các chốt này đem kho nghệ, kho sả nhất là làm mắm để ăn sống với bần chua thì ngon không chịu nổi.
Mới hay, bằng trí tuệ của mình dân gian đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện sống. Hơn thế, họ còn buộc thiên nhiên phục vụ lại con người. Vì thế mà đời sống của họ càng thêm sung túc, lại chan hòa tình làng nghĩa xóm.
Theo Út Tẻo (Dân Việt)
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment