Về Bỉm Sơn không chỉ có hội đền Sòng (26/2 âm lịch), còn những những đèo Ba Dội, hồ Cánh Chim, động Cửa Buồng, đã khiến lòng người thổn thức, vấn vương. Thi sĩ Hồ Xuân Hương khi đặt chân lên đèo Ba Dội đã phải tức cảnh đề thơ: “Một đèo, một đèo, lại một đèo. Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo”.
Đèo Ba Dội còn có tên là Tam Điệp vì có 3 ngọn núi chụm liền nhau, ngọn giữa là cao nhất. Có thể nói đèo Ba Dội là một thắng cảnh nổi tiếng trên trục đường thiên lý Bắc - Nam. Trong tiết trời ấm áp của mùa xuân, qua những cung đường quanh co, du khách khi lên với đèo Ba Dội chắc chắn sẽ phải lặng đi trước khung cảnh tuyệt đẹp như được thấy thêm một Đà Lạt mộng mơ trên miền đất xứ Thanh này. Mùa này hoa nhãn đã nở rộ, đứng trên cao nhìn xuống, đèo tràn ngập những sắc màu.
Với chiều dài gần 4 Km, con đường quanh co uốn lượn qua bãi lau lách, hai bên đường là dãy núi đá sừng sững thâm nghiêm, vượt qua ba ngọn núi đất du khách đến với Nhà Bia Ba dội trên đỉnh Đèo.
Con đường Thiên lý hiện nay nằm trên địa phận phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn gắn liền với sự kiện lịch sử cách đây hơn hai trăm năm.
Với nước cờ Tam Điệp - Biện Sơn: Cuối năm 1787, để bảo toàn lực lượng, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Ninh Tốn đã cho lui quân từ Thăng Long về đây lập phòng tuyến thuỷ bộ Tam Điệp - Biện Sơn, chờ đại binh của Quang Trung Nguyễn Huệ ra hội quân, tích trữ quân lương, chỉnh đốn quân bị, rèn dũa quân binh, họp bàn kế sách.
Chính trên con đường này Đại binh Tây Sơn đã thần tốc hành quân tiến ra Bắc Hà giải phóng Thăng Long một cách nhanh chóng.
Năm 1842, trên đường xa giá tuần du phía Bắc, Vua Thiệu Trị đã tức cảnh làm thơ và cho người khắc vào bia đá. Hiện nay tấm bia vẫn đặt ở đỉnh đèo Ba Dội (bia còn lành, chữ còn sắc). Nhờ tấm bia mà đã xác định được một cách chính xác vị trí của Tam Điệp.
Đứng trên đỉnh đèo Ba Dội, phóng tầm mắt về phía Đông Bắc, du khách ngỡ ngàng đến sửng sốt trước một vùng hồ tự nhiên mặt nước mênh mang giữa 4 ngọn núi với một hệ động thực vật phong phú với diện tích 201.000 m2 với trữ lượng 33.000 m3 nước.
Hai nhánh suối phía Tây Bắc và Đông Bắc tháng năm mải miết đưa nước vào lòng hồ. Đứng trên cao nhìn xuống, cả mặt hồ như dáng hình một con chim đại bàng tung cánh bay cao, lay thức trong mỗi du khách một khát vọng bay cao, vươn tới.
Cửa Buồng là khu vực đường Thiên Lý đi qua, xưa kia đây là khu vực rất hiểm trở. Gọi là Cửa Buồng vì có 2 vách núi dựng thẳng đứng cách nhau chỉ một đoạn rất ngắn, ở xa nhìn lại như một cửa thành kiên cố. Cửa Buồng chính là cửa ải của phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Qua cửa ải hiểm yếu này, rẽ về phía Tây Bắc một đoạn sẽ gặp dấu tích thành lũy mà quân đội Tây Sơn dựa vào địa thế núi non để xây dựng.
Cảnh đẹp, người say âu cũng là điều dễ hiểu. Bỏ qua những ưu phiền, nhỏ nhen, bộn bề cuộc sống, về bên đèo Ba Dội, hồ Cánh Chim, động Cửa Buồng để mở rộng lòng đón cái tình của thiên nhiên ban tặng. Đã lâu lắm, tôi mới lạc vào chốn mộng mơ này. Trong yên tĩnh, sự trong trẻo này chắc chắn sẽ khiến nhiều người càng thêm say đắm. Được biết, UBND thị xã Bỉm Sơn hiện cũng đã cắm mốc quy hoạch tại các di tích cấp quốc gia trên địa bàn trong đó có 3 di tích nói trên. Một việc nên và cần làm, bởi nếu bỏ phí đi tiềm năng du lịch rất lớn này, là một sự thiệt thòi không chỉ cho địa phương, mà cho những người biết trân trọng giá trị lịch sử. Hơn thế nữa, cảnh đẹp đã có sẵn, chỉ cần đầu tư để cảnh hòa được với người, đó là một thành công lớn chứ không nhỏ.
Theo Văn Hóa & Đời Sống, web Bimson
Du lịch, GO!
Đèo Tam Điệp - Ninh Bình
Blogger Comment
Facebook Comment