Sau Tết, với ánh nắng rực rỡ, những cánh đồng muối nhỏ xinh của vùng đất Long Điền đang vào mùa lao động sôi nổi của hàng nghìn bà con nơi đây.
Nếu những vị khách có dịp đi du lịch về một vùng biển xanh và cát trắng còn khá hoang vu ở Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu, từ Bà Rịa theo tỉnh lộ 44A, qua đoạn thuộc huyện Long Điền sẽ thấy những ruộng muối kéo dài xa tít.
Dưới cái nắng cháy da, những diêm dân ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn miệt mài với công việc làm muối mưu sinh. Vậy nhưng vài năm gần đây, trên một số ruộng muối ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xuất hiện những “nhân vật” mới giúp sức cho các diêm dân: Đó là các cối xay gió dẫn thủy nhập điền cho ruộng.
< Quạt gió bơm nước tự chế của bà con diêm dân.
Tại cung đường dẫn về thị trấn Long Hải, huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khách không khỏi ngạc nhiên khi thấy bên phải đường – nơi diêm dân đang ra quân đầu năm mới có hàng chục cối xay gió được đặt tại ranh giới giữa các ruộng muối.
< Diêm dân không ngại trời nắng gắt, vì dưới cái nóng đổ lửa hạt muối mới mau tạo hình. Từ đấy, những lằn muối trắng xóa, song song nhau đang chờ được thu hoạch.
< Cối xay gió tạo nên 1 hình ảnh mới lạ tại ruộng muối Long Điền. Cánh cối làm chủ yếu bằng gang, gắn vào 1 trục quay, dưới là cột chống có giá đỡ.
Người dân ở đây cho biết đã dựng cối xay gió cách đây vài năm để dẫn nước mặn vào các ruộng muối, tiết kiệm sức lao động đáng kể.
< Muối chất đống lên thành ngọn, một diêm dân người nhỏ thó đang cố gắng càu muối lên phía trên.
Cối xay gió có nhiều loại, từ 3- 4 cánh đến 5-6 cánh, làm bằng gang. Nơi nào có nhiều gió thì làm ít cánh và ngược lại. Có 1 cột chống và 2-3 cột đỡ cho cánh quạt được làm bằng vật liệu chống gỉ vì oxy hóa từ muối chủ yếu bằng gang, gỗ tốt. Cánh quạt có thể gập vào hay xòe ra tùy ý.
< Phải trải qua ngày làm việc vất vả, diêm dân mới thu hoạch được lượng muối thế này, nhưng giá muối bán ra ngoài thị trường lại có mức giá rẻ mạt.
< Người và xe kút-kít nối đuôi nhau để chuyển muối đi. Chiều buông xuống, dòng người vẫn tiếp tục di chuyển, bóng dáng họ in xuống mặt nước.
Nhờ gió biển, cối xay gió hoạt động rất linh hoạt, đẩy nước từ nơi thấp lên cao hay từ cao xuống thấp. Cứ đến giờ trưa đến chiều mỗi ngày, nước triều từ biển Long Hải dâng cũng là lúc gió nhiều – đẩy các cánh quạt ở cối hoạt động liên tục dẫn nước biển vào. Khi nước đã được bơm đầy ruộng thì người dân gập cánh quạt lại.
Theo quan sát, có khoảng gần 50 cối xay gió cách biển Long Hải khoảng 1km, trải dài trong quãng đường 2km về đồng bằng.
Chính sáng chế độc đáo này đã giảm đi rất nhiều công sức gánh nước hay dẫn nước theo hệ thống bơm bằng điện tốn chi phí, giúp diêm dân lao động đỡ vất vả hơn với cái nghề vốn rất khắc nghiệt từ xưa, nay.
Bên cạnh đó, khung cảnh lý thú với cối xay gió nhuốm màu phong sương, ruộng muối trắng, trời xanh, nắng vàng dự đoán sẽ là một đề tài thú vị cho giới nhiếp ảnh nghệ thuật hay chụp hình đám cưới.
Theo Dulich Longhai, Vnexpress
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment