(TTO) - Đã nghe giới thiệu nhiều về Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà, nhưng mãi đến mùa thu này chúng tôi mới quyết định gác mọi công việc để thực hiện một chuyến khám phá vùng đất đầy mê hoặc đó.
< Thác Thiên Thai tại Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà.
Từ Đà Lạt theo đường 723 (Đà Lạt - Nha Trang), qua vùng rau hoa công nghệ cao, đồi núi trập trùng như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Hai bên đèo 723 đất đỏ bazan uốn lượn như dải lụa hồng, nhà cửa, biệt thự nhấp nhô, ẩn hiện trong rừng thông thẳng tắp, quyến rũ, đẹp đến nao lòng.
Vào rừng thăm thác Thiên Thai
Trước khi vào rừng, Cil Criêu Ha Trái - hướng dẫn viên du lịch dân tộc K’ho - thông báo cho chúng tôi về lộ trình, nội quy, thời gian và địa điểm. Trên đường đi, chúng tôi được Ha Trái giới thiệu về những cây rừng dùng để làm thuốc cứu người. Nào là cây thanh mai (chữa đau răng), cây chỉ thiên (chữa đau bụng), cây dẻ (chữa ho), rồi sa nhân, đẳng sâm, ngũ gia bì, sâm đỏ... Chỉ vào một cây ven đường, Ha Trái bảo: “Đây là cây đỡ đẻ tên criêu, tên đệm của bộ tộc mình đấy”.
Rồi Ha Trái kể rằng theo truyền thuyết, ngày xưa bộ tộc này có người phụ nữ mang bầu vào rừng hái quả. Chẳng may đau đẻ bất ngờ, bà hái vội lá cây rừng lót thành nệm và đẻ con trong đó, rồi ôm con trong bọc lá cây về nhà. Cả buôn làng mừng rỡ ra đón và mở tiệc ăn mừng. Trước lúc ăn tiệc, già làng nói đây là lá criêu, từ nay đứa trẻ này và mọi đứa trẻ khác sinh ra đều lấy tên Criêu làm tên đệm.
Đi trong rừng thông hoang sơ, gió thổi rì rào “bản nhạc rừng” không dứt, không khí thoáng đãng, mát mẻ thật thú vị. Thỉnh thoảng, băng qua những con suối nhỏ, nước chảy róc rách, nhón chân bước trên hòn đá chênh vênh, cảm giác như vừa thi xong bài “băng rừng vượt suối” nhưng không hề thấy mệt.
Khi tiến sâu vào rừng, nghe tiếng thác đổ, vượn kêu chim hót như một bản hòa tấu của thiên nhiên. Gặp một cây khá to, cao khoảng 25m bên lối mòn, Ha Trái cho biết đây là cây thông đỏ, “cùng thời với khủng long, nằm trong Sách đỏ thế giới”, cả nhóm thích thú tranh nhau chụp ảnh. Tiếp tục đi dọc suối một đoạn, trước mắt chúng tôi là thác Thiên Thai đang tung bọt trắng xóa, tuôn chảy mãnh liệt, kỳ vĩ và thơ mộng. Hai bên thác, nhiều cành lá cây rừng lung linh trong nắng, rũ xuống như mái tóc mỹ nữ. Mọi người say mê ngắm cảnh đẹp như tranh vẽ của thác Thiên Thai.
Những người trong đoàn đều lấy máy ảnh hoặc điện thoại thi nhau chụp hình để ghi lại những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng thác nước Thiên Thai huyền ảo, một địa chỉ không thể bỏ qua của hầu hết các đoàn khách khi đến VQG Bidoup - núi Bà.
Say nhịp cồng chiêng Bidoup - núi Bà
Buổi tối, tiếng cồng chiêng thúc giục, mùi thịt nướng than béo ngậy thơm lừng, hương rượu cần nồng cay khiến mọi người quên hết sự mệt nhọc của chuyến đi vào rừng trước đó. Và các chàng trai, cô gái K’ho hừng hực quyến rũ trong váy áo thổ cẩm rực rỡ nhảy múa theo tiếng nhạc, tiếng cồng chiêng vang cả núi rừng của nhóm cồng chiêng VQG Bidoup - núi Bà.
Suốt đêm khuya trong rừng vắng, hòa cùng tiếng chiêng, say múa hát, say rượu cần, say men tình khiến chúng tôi quên cả đường về... khách sạn. Đêm giữa rừng thông, nghe “bản hòa tấu” côn trùng rên rỉ êm tai, ngủ ngon không mộng mị. Tôi dậy sớm để chụp cảnh bình minh nhưng mặt trời đã bị mây và sương mù che phủ.
Sau bữa sáng, chúng tôi được anh Lê Văn Hương, giám đốc VQG Bidoup - núi Bà, đưa đi thăm đỉnh Hòn Giao, nơi tiếp giáp giữa Lâm Đồng và Khánh Hòa, giải thích cho chúng tôi nghe rất nhiều điều thú vị về núi Bidoup và cánh rừng nguyên sinh lớn nhất VN. Chúng tôi thi nhau chụp ảnh, cả du khách nước ngoài đi ngang qua cũng dừng lại chụp, vui như hội.
Trên đường về Trạm kiểm lâm Giang Ly dùng cơm trưa, giám đốc Hương mời cả đoàn thăm cây thông hai lá dẹt gần 1.000 tuổi. Chúng tôi rất háo hức và vô cùng kinh ngạc. Xung quanh “cụ” có hàng trăm cây khác, nhỏ hơn và mọc xa hơn.
Lên xe sau cùng (vì ham chụp ảnh) nhưng tôi vẫn nghe trọn vẹn câu chuyện được anh Hương kể: “Thông hai lá dẹt - tên khoa học Pinus krempfii, trên thế giới chỉ có duy nhất ở VQG Bidoup - núi Bà của VN. Có nhà thực vật học thế giới ao ước trước khi chết được thấy cây thông hai lá dẹt 1.000 tuổi ở Bidoup - núi Bà là mãn nguyện nhất đời!”.
Riêng tôi, chuyến đi này chỉ có một tiếc nuối là không thăm được cây pơ mu 1.300 tuổi (cao 40m, chu vi 13,5m) trong VQG Bidoup - núi Bà. Lần sau, tôi quyết tâm leo núi để thấy và chụp ảnh “cụ pơ mu” dù phải ngủ lều, ăn cơm vắt trong rừng sâu núi thẳm.
Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) là một trong 28 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng VN. Khu vực Bidoup - núi Bà thuộc địa giới hành chính huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng chiếm gần trọn cao nguyên Lang Biang (còn gọi là cao nguyên Lâm Viên). Nơi đây được các nhà khoa học đánh giá là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới và là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của VN.
Với 91% diện tích 64.800ha của Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà là rừng và đất rừng, trong đó chủ yếu là rừng nguyên sinh với rất nhiều loài động - thực vật khác nhau. Có 1.468 loài thực vật có mặt ở Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà, trong đó 62 loài quý hiếm phân bố trong 29 họ thực vật khác nhau, nằm trong cấp đánh giá về mức độ quý hiếm của Sách đỏ VN năm 2000. Có 52 loài động vật, chiếm 25% tổng số loài trong khu vực, được ghi vào danh mục các loại động vật quý hiếm.
Theo Hà Hữu Nét (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment