(BAVN) - Là địa danh nổi tiếng trong bốn xứ Mường cổ đất Hòa Bình (Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động), Lũng Vân (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) được ví như Nóc nhà xứ Mường bởi cảnh sắc đẹp và còn giữ được nhiều nét sinh hoạt truyền thống của người Mường.
< Khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 trong năm, khi những cơn mưa rừng ập đến Lũng Vân, xuất hiện hàng trăm con suối, thác nước từ trên núi cao đổ xuống tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp ở đây.
Truyền thuyết “Đẻ đất Đẻ nước” của người Mường ở Hòa Bình kể rằng, xưa Lũng Vân là nơi có những bản làng đang sinh sống yên bình. Một cơn hồng thuỷ ập đến bất thần trong đêm tối đã cuốn trôi hết tất thảy nhà cửa, bản làng, người dân, trâu bò và nhấn chìm cả rừng núi.
< Những cây Bi trong truyền thuyết "Đẻ đất, Đẻ nước" của người Mường hiện còn mọc rất nhiều ở Lũng Vân.
Có đôi vợ chồng nhà nọ bám được một chiếc bè luồng rồi vướng vào cây Bi – một cây cổ thụ khổng lồ, rễ cây ăn xuyên qua chín sông mười núi nên vẫn vững vàng trong cơn hồng thuỷ. Cơn hồng thuỷ rút cũng là lúc tất cả trở nên hoang xơ.
Không còn đường về, họ dựng lều ở ngay dưới gốc cây Bi để ở và sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương, cày cuốc thung lũng thành ruộng bậc thang, làm cọn (guồng) để lấy nước, thuần phục thú rừng thành vật nuôi, lập nên mường bản.
< Những thửa ruộng bậc thang ở Lũng Vân được ví như “Gương trời xứ Mường”.
Nhớ ơn cây cứu mạng, họ lấy tên cây đặt cho tên mường, hình thành nên vùng Mường Bi ngày nay, một vùng núi rừng rộng lớn bao gồm nhiều xã thuộc huyện Tân Lạc. Lũng Vân là vùng đất nơi cây Bi mọc trong truyền thuyết và cũng là nơi sinh sống cao nhất của Mường Bi.
Trong ghi chép về tập tục văn hóa các vùng Mường, Nhà văn hóa Phan Cẩm Thượng ghi rằng: “Đường đi hiểm trở đèo dốc, nếu không có phương tiện cơ giới, thì người ta chỉ có cách thồ hàng bằng gùi, không được bao nhiêu, ít người xuôi lên đây buôn bán, nên thuần hàng địa phương.
< Lũng Vân còn được du khách biết đến là xứ ngàn mây. Mây ở Lũng Vân như dải lụa trắng vắt ngang núi Cô Tiên và được người Mường ví như “chiếc khăn của Bụt”.
Vải vóc, thổ cẩm, đồ đan, rau cỏ, củ quả, hoa trái, chim thú rừng… Đi chợ có lẽ là đi chơi, trao đổi hàng hóa nhiều hơn. Vùng này cho đến ngày nay, người ta rất ít tiền, thậm chí nhiều người không có tiền”.
< Người Mường ở Lũng Vân còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, đặc biệt là trang phục.
Có lẽ vì cách trở với phần còn lại của xứ Mường Bi nên Lũng Vân được bảo tồn khá nguyên vẹn, từ những mái nhà sàn dốc hình con rùa với đức tin con rùa tượng trưng cho sự vững chãi đến những bộ váy của người phụ nữ Mường. Những chiếc váy truyền thống đa phần là màu đen, đầu váy trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm nổi bật. Ngày nay, để phù hợp với lao động, váy có ngắn hơn song những đường nét tinh tế trong trang trí vẫn được lưu giữ.
< Người Mường ở Lũng Vân sống gần gũi thiên nhiên, hài hòa và mến khách.
Đến Lũng Vân đẹp nhất vào thời điểm sau Tết đến tháng Tư hàng năm bởi đó là lúc có nhiều mây bao phủ nhất. Mây bắt đầu xuất hiện từ chiều tối, đến sáng sớm hôm sau thì tan dần và đến giữa trưa thì trời quang hẳn. Đây cũng là thời điểm người Mường bắt đầu vào vụ cấy trên những thửa ruộng bậc thang được ví như “tấm gương trời khổng lồ xứ Mường Bi”. Người Mường ở Lũng Vân còn giữ được tập tục canh tác lúa trên ruộng bậc thang theo lối truyền thống.
< Mùa cấy ở Lũng Vân.
Cụ Hà Văn Bình ở Lũng Vân cho biết: “ Người Mường chúng tôi sống các biệt nên trong canh tác lúa nương cũng khác với người Mường ở vùng thấp. Những thửa ruộng bậc thang phải đợi đến “nước trời”là mưa xuống mới bắt đầu canh tác. Chúng tôi gieo cấy lúa hoàn toàn theo phương pháp thủ công nên năng suất không cao nhưng gạo Lũng Vân ngon và thơm nổi tiếng xứ Mường. Ngày xưa, gạo ở Lũng Vân được dùng làm đồ cung tiến các Chúa Mường nên vùng Mường Bi vẫn gọi gạo Lũng Vân với tên gọi khác là gạo Chúa Mường”.
< Cuộc sống của người Mường trong nếp nhà sàn.
Đến Lũng Vân, du khách có thể tham quan, nghỉ đêm tại nhà sàn của người Mường, cùng làm những công việc hàng ngày với người dân hay tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Ở Lũng Vân có một chợ duy nhất, nằm ngay trung tâm xã, họp mỗi tuần một lần vào ngày thứ 3, du khách có thể đến đây để tìm hiểu những nét đẹp văn hóa sắc văn hóa của dân tộc Mường.
Ở Lũng Vân hiện còn lưu giữ khá nhiều lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, phản ánh những sinh hoạt cộng đồng được đông đảo người dân và du khách quan tâm. Mỗi lễ hội là một bức tranh phản ánh hiện thực xã hội của người Mường cổ, tiêu biểu như Nạ Mụ, nhóm lửa, xuống đồng, Rửa Lá Lúa...trong đó hai lễ hội lớn nhất là Khai hạ và Cơm mới.
Theo Thông Thiện, Việt Cường (Báo Ảnh VN)
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment