(BPY) - Hồ Hảo Sơn (ngày xưa người dân thường gọi là Biển Hồ) thuộc xã Hoà Xuân Nam, nằm ở phía Tây QL1A ngay dưới chân đèo Cả. Nói chính xác hơn thì hồ Hảo Sơn thuộc thôn Hảo Sơn, Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa). Từ nam ra, xuống chưa hết đèo Cả đã thấy một vùng trời nước mênh mông. Người xưa gọi là “biển” nhưng thật tế đây lại là đầm nước ngọt, rộng với cảnh quang xanh mát.
Truyền thuyết về sự hình thành hồ Hảo Sơn có liên quan đến núi Đá Bia và nhân vật Cao Biền. Dân gian truyền tụng rằng tại núi Đá Bia có huyệt đế vương, có thể lấn át cả nước láng giềng Trung Quốc, nên khi Cao Biền được phong làm Tiết độ sứ Giao Châu, ông đã đến núi Đá Bia thấy mạch đất vượng khí bèn giả vờ đánh rơi thanh kiếm làm xoáy lõm vùng đất thành hồ Hảo Sơn để chặt đứt long mạch nước Nam.
Chính vì vậy mà trong dân gian còn lưu truyền câu sấm ký:
Bi Sơn sanh thánh chúa,
Đà Thủy xuất hiền thần.
Còn theo sách Dã Sử đời nhà Đường (Trung Hoa) chép rằng, ông Cao Biền mang quân đánh nước Lâm Ấp, đến núi Đá Bia thì rút thanh kiếm thần cắm xuống để yểm long mạch nước Nam: một thanh cắm trên đỉnh núi, thanh kia cắm xuống phía chân núi, nhưng do đây là vùng đất xốp nên thanh kiếm đã quấy lên thành một cái hồ rộng có hơn trăm mẫu tây mà trước kia người dân quen gọi là Biển Hồ, nay là Hảo Sơn.
Tương truyền cách đây gần trăm năm, Biển Hồ là nơi tập trung cá sấu sinh sống, vì trong lòng hồ có nhiều các loài thuỷ sinh phong phú, đặc biệt là cá tràu, cá trê, cá rô, cá mè… to bằng thân mình trẻ con hay bằng chiếc thúng…
Những chỗ cạn quanh hồ là các loại lùng, lác mọc ken dày; trên bờ dân chúng lấn dần ra làm ruộng. Cá sấu ẩn mình trong những đám lung lác dày bịt, che khuất tầm nhìn, nên chúng hay tấn công những người nông dân trên bờ, cắn chết nhiều nhân mạng.
Để đối phó lại với nạn cá sấu, ông Xã Tài, người có rất nhiều ruộng ở vùng này đã tổ chức dân quanh vùng tấn công lại cá sấu.
Đầu tiên là xin keo ở miếu Bà sát chân núi, nếu Bà thuận thì chờ đến mùa khô, nước cạn dùng bổi khô bơi thuyền đốt bổi ném ra giữa lòng hồ. Cá sấu hoảng loạn chạy lên bờ bị hàng trăm nông dân dùng bổi rơm đốt cháy, bị dáo mác đâm chết. Từ đó nạn cá sấu hết còn hoành hành như trước.
Ngày nay, cứ vào khoảng tháng 7 là sen trong đầm nở rộ khiến cả một vùng ngào ngạt hương sen. Buổi chiều đi qua đây mọi người hẳn sẽ phát hiện ra cái màu xanh của trời, của nước, của lá sen như một màu xanh kỳ lạ.
Không gian ở đây yên tĩnh một cách diệu kỳ. Tất cả mọi sinh vật dường như không muốn làm kinh động lẫn nhau: những cánh sen chỉ nhẹ chao trong gió, đàn vịt lội dưới bầu sen, người nông dân lặng lẽ khua lưỡi hái, chú trâu nhẩn nha trên thảm cỏ… Chỉ có tiếng xình xịch của con tàu đang lướt nhanh là ầm ĩ nhất, nhưng rồi cũng qua nhanh như làn gió thoảng.
(Theo lời kể của các ông Đàm Khánh Hỉ, Đỗ Bá Hỉ, Trà Ngọc Thọ và đối chiếu sách Địa danh Phú Yên của Nguyễn Đình Chúc)
Theo Đào Minh Hiệp, Đoàn Việt Hùng, Dương Thanh Xuân (Báo Phú Yên)
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment