Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Quy Nhơn, Bình Định, Vietnam

Cúng thần bằng tiết canh chuột

(VTC) - Trong văn hóa tộc người, thông thường, những con vật linh thiêng phải là rồng, phượng, rùa, chim. Hoặc ít ra cũng phải là gấu, báo, hổ, sư tử… Nhưng, với người La Chí, một dân tộc thiểu số, chỉ có 8 ngàn người, sống duy nhất ở Hà Giang thì lại khác, con chuột là linh vật vô cùng linh thiêng.

Chúng tôi phải đi xe máy từ sáng sớm đến mờ tối mới hết 30km đường vào xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì, Hà Giang). Con đường được mở mấy năm nay, chỗ đá hộc, chỗ bùn lầy ngập bánh xe. Núi cao, rừng sâu, mây mù quanh năm bao phủ. Trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, ngày đêm gió quật ầm ầm. Những ngôi nhà của giáo viên cứ xiêu bên Đông, vẹo bên Tây vì gió lớn.

Đứng ở trung tâm xã Bản Phùng, nhìn lên đỉnh Lủng Cẩu tưởng như đó là mảnh đất của Trời. Người La Chí có truyền thuyết kể rằng, đỉnh Lủng Cẩu là nơi vua Gia Long (ông vua của người La Chí, giống như “vua mèo” Vương Chí Sình của người Mông chứ không phải vua Gia Long thời Nguyễn) ở và đó cũng là đường lên Trời. Các tiên nữ thường trốn nhà Trời xuống hạ giới qua đỉnh Lủng Cẩu vui đùa với vua. Huyền thoại thì chỉ là huyền thoại, nhưng sự thực thì đường lên bản Lủng Cẩu đúng là đường lên Trời.

< Trong lễ cúng rừng, món thịt chuột, đặc biệt là tiết canh chuột, không thể thiếu được.

Với sự dẫn đường của các cán bộ xã Bản Phùng, trong đó có Chủ tịch xã Vương Đức Sinh, tôi phải cuốc bộ liên tục 2 giờ đồng hồ mới tới điểm trường Lủng Cẩu. Mùa đông, gió lớn, mưa tuyết như hoa trời bay trong gió. Sau điểm trường Lủng Cẩu là khu rừng cấm linh thiêng rộng mênh mông của người La Chí. Đầu rừng cấm có ngôi nhà thờ đơn sơ, với những chiếc sọ trâu trắng lốp gác trên mái. Mỗi năm dân bản cúng rừng ở nhà thờ một lần và thịt một con trâu để tế Thần Rừng.

Đi rừng tiếp 2 giờ đồng hồ nữa thì đến lõi rừng cấm, nơi đó có ngôi miếu thiêng thờ các vị thần như ông tổ Hoàng Dìn Thùng, vua Gia Long, Thần Rắn. Các vị thần này ngự trong ngôi miếu và được gọi chung là Thần Rừng. Nhiệm vụ của Thần Rừng là bảo hộ cuộc sống đồng bào, cho đất sản xuất, cho trời mưa xuống để cây lúa tốt tươi, cho sấm sét không đánh chết người.

< Thầy cúng người La Chí đang làm lễ đuổi ma cho một gia đình. Trong lễ cúng này, ngoài con ngan, còn có con chuột nướng.

Để được hưởng những thứ đó, hàng năm, dân bản phải làm lễ cúng rừng, hiến tế lễ vật, và thực hiện lời hứa bảo vệ rừng với Thần Rừng linh thiêng. Có 3 loại lễ cúng rừng diễn ra, lễ cúng tại nhà thờ ở cửa rừng mỗi năm diễn ra một lần, còn lễ cúng ở miếu thờ trong lõi rừng cấm thì 15 năm mới diễn ra một lần. Riêng lễ cúng Thần Rắn cứ 13 năm lại diễn ra một lần. Lễ cúng rừng hàng năm thì lễ vật hiến tế chính là trâu, lễ phụ là thịt chuột.

Lễ cúng cúng 15 năm diễn ra một lần thì lễ vật bò là chính, thịt chuột cũng là phụ. Lễ cúng 15 năm một lần là cúng ông tổ Hoàng Dìn Thùng, nên phải cúng bò, vì ông chỉ thích ăn thịt bò. Cũng chính vì quan niệm này mà người La Chí không nuôi bò. Họ sợ, nếu nuôi bò, mỗi khi bò kêu, ông Hoàng Dìn Thùng lại thức dậy đòi ăn thịt bò thì… sạt nghiệp. Lễ cúng 13 năm một lần là cúng Thần Rắn, mà rắn thích ăn chuột, nên lễ vật chính là chuột, chứ không phải trâu hay bò.

< Đền thờ thần rừng của người La Chí trên đỉnh Lủng Cẩu.

Truyền thuyết về Thần Rắn được kể như sau: Ngày xưa, có một cụ già râu tóc bạc phơ, sau nhiều ngày dạo chơi qua các bản làng thì đi vào rừng, chết luôn tại đấy và biến thành hai con rắn. Khu rừng đó được gọi là rừng Me Meo, chính là rừng cấm trên núi Lủng Cẩu bây giờ.

Trong bản có một anh đã 9 đời nghèo đói, cho dù anh cũng như tổ tiên mình đều làm việc rất chăm chỉ. Để hỏi xem vì sao cuộc đời mình cứ nghèo đói mãi vậy, anh liền đi tìm thầy mo. Khi qua rừng Me Meo, anh gặp hai con rắn. Rắn hỏi anh nhà nghèo đi đâu vậy? Anh nhà nghèo buồn tủi kể lại sự tình. Rắn nghe vậy, liền nhờ anh chàng nhà nghèo: “Ngày trước tôi đi đâu cũng được, bay cũng được, thế mà giờ không tài nào làm được gì để kiếm ăn. Nhờ anh hỏi hộ xem vì sao lại thế?”.


< Đầu lâu trâu có rất nhiều trong đền thờ ông Hoàng Dìn Thùng trong rừng cấm.

Gặp thầy mo, kể lại sự tình của mình và hai con rắn trong rừng Me Meo, thầy mo liền bảo: “Trước đây con rắn biết bay, nhưng giờ không bay được, cũng không đi được là vì hai bên mép của chúng có hai cái răng vàng. Nhổ đi sẽ khỏi hết. Nhưng nếu nhổ răng rắn thì cỏ cây sẽ khô héo, ngô lúa cũng chết hết. Còn việc anh nghèo hay giàu thì tùy ở cách ứng xử và lòng tốt của anh”. Thầy mo chỉ nói có vậy rồi biến mất. Anh nhà nghèo trở về mà lòng buồn thảm.

Đi qua rừng Me Meo, gặp hai con rắn, rắn hỏi: “Tình hình thế nào?” Anh cũng kể lại y nguyên. Nhưng anh không nhổ răng vàng cho rắn, vì làm như vậy, bản làng anh sẽ chết đói. Rắn van xin: “Nếu anh không giúp chúng ta thì chúng ta đành phải chết đói, chết khát ở khu rừng này mất rồi”.


< Món chuột nướng được người La Chí ưa chuộng.

Nghe hai con rắn than thở, anh nhà nghèo động lòng thương liền nhổ răng cho rắn. Nhổ xong, hai con rắn năng động hẳn lên, nó bay nhảy khắp nơi. Để tỏ lòng biết ơn, hai con rắn đã tặng anh nhà nghèo 4 chiếc răng vàng và dặn rằng, chiếc răng vàng này sẽ giúp nhân dân được no ấm, nhưng nhân dân phải bảo vệ rừng Me Meo nơi rắn ngự trị.

Anh nhà nghèo mang răng vàng về nhà, bỗng nhiên nương lúa trong bản tốt tươi, trâu bò đông đúc. Anh cũng trở nên giàu có. Từ đó, 13 năm một lần, người La Chí phải vào rừng Me Meo, tức là rừng cấm để cúng Thần Rắn.

Trong một tài liệu khá hiếm hoi nghiên cứu về văn hóa La Chí có tên “Văn hóa truyền thống của người La Chí”, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy viết về lễ cúng Thần Rắn trong rừng Me Meo: “Có tới 8 thầy mo điều khiển nghi lễ. Họ được gọi là các Pô mìa nhu. Các Pô mìa nhu được phân thành hai nhóm, gồm nhóm họ Ly, họ Tận và nhóm họ Vàng, họ Lùng. Mỗi nhóm gồm 4 ông Pô mìa nhu. Mỗi họ được hai người đại diện.

Trong mỗi nhóm, từng người lại giữ chức vụ cụ thể và mang các tên khác nhau như: Pô ừm nhu, Pô ừm mia, Pô mìa mố và Pô ừm phi. Đứng đầu mỗi nhóm là Pô mìa nha. Ông này được coi là gốc cúng của mỗi nhóm.

Người La Chí tin rằng, mỗi Pô mìa nhu trông giữ một loại ma khác nhau. Ma được Pô mìa nhu nhốt trong hũ rượu. Mỗi năm Pô mìa nhu thay rượu trong hũ một lần. Mỗi lần thay rượu, phải bí mật đổ rượu cũ đi, thay rượu mới vào bằng cách rót qua sừng trâu. Ma của Pô mìa nha và Pô mìa mố là một loài rắn. Người La Chí rất sợ đi phía trước hoặc phía sau của những ông thầy mo này vì sợ rắn mổ”.

Trong ngày lễ cúng Thần Rắn, đồng bào tụ tập quanh sàn cúng, được dựng giữa rừng, trước miếu thờ. Các thầy mo ngồi trên sàn cúng và thực hiện lễ cúng. Trước mặt các thầy mo là 2 mâm lễ. Một mâm toàn thịt chuột, với rất nhiều món đã được chế biến sẵn, như chuột hấp, chuột hầm, chuột xào mầm thảo quả. Nhiều nhất là các món chuột khô, chuột nướng. Một thứ không thể thiếu, đó là bát… tiết canh chuột!

< Tiết canh chuột là món khoái khẩu của người La Chí.

Người La Chí cho rằng, ma gà thích ăn tiết canh gà, còn Thần Rắn thì thích nhất tiết canh chuột. Ngoài ra, còn 13 con chuột sống, đủ các loại to nhỏ, bị buộc vào dây và cột vào cọc trước sàn cúng. Mâm lễ thứ hai để cúng các vị thần khác ngự trong rừng, gồm chủ yếu là các món liên quan đến cá, thịt.

Lễ cúng Thần Rắn với mâm thịt chuột diễn ra suốt 2 ngày, trong không khí cực kỳ trang nghiêm. Không ai cười đùa, cợt nhả. Tất cả đều hướng tâm trí về Thần Rắn và các vị thần cai quản khu rừng với sự thành kính sâu sắc.      
Thầy mo úp mặt xuống sàn và nói: “Ơ Thần Rắn linh thiêng! Hôm nay, dân bản làm lễ cúng các thần cai quản rừng thiêng…”.

“…Thần Rắn ngự ở trong rừng đã phù hộ cho đất nước, cho dân bản được mùa, cho ngô lúa tốt tươi, cho cuộc sống no ấm. Đề nghị Thần Rắn tiếp tục cho nước tưới tiêu, cho đất sản xuất, cho cây cối tốt tươi, không gây lũ lụt, sấm sét không đánh chết người, lợn đẻ nhiều như lợn rừng, trâu đông như dê núi …”

Điều tốt đẹp mà tôi nhận thấy trong lễ cúng rừng cũng như các lễ cúng khác của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, đó là trong bài cúng, họ luôn cầu cho đất nước, dân tộc trước, rồi mới cầu cho bản làng, gia đình và cuối cùng là bản thân.

Theo Trần Bình Thủy (VTC New)
Du lịch, GO!
SHARE

Milan Tomic

Hi. I’m Designer of Blog Magic. I’m CEO/Founder of ThemeXpose. I’m Creative Art Director, Web Designer, UI/UX Designer, Interaction Designer, Industrial Designer, Web Developer, Business Enthusiast, StartUp Enthusiast, Speaker, Writer and Photographer. Inspired to make things looks better.

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
    Blogger Comment
    Facebook Comment