Hàng năm, cứ vào mùa nước đổ là có biết bao người háo hức lên đường, đổ về các tỉnh đầu nguồn để trải nghiệm cùng với thiên nhiên, sản vật trời cho của đồng nước miền Tây Nam Bộ.
Mấy hôm trước, có người quen ở TP Hồ Chí Minh nhờ tư vấn để đưa nhóm bạn người Nhật đang sinh sống, làm ăn ở Việt Nam về miền Tây tham quan mùa nước nổi. Thiệt tình là rất mừng và sẵn lòng, tôi còn nhiệt tình giới thiệu một số “thổ địa”, cốt làm sao cho khách lạ thích thú quê mình là sướng rồi. Theo đó, tôi đề nghị các bạn hãy khởi hành vào khoảng 26- 27/8, phượt một tour khoảng 4- 5 ngày về Đồng Tháp Mười và An Giang, chốt ngày cuối cùng vào đêm 30/8 ngủ lại búng (hồ) Bình Thiên vào đúng lễ hội liên hoan văn hóa mùa nước nổi hàng năm ở đây. Chắc hẳn rằng mọi người sẽ có chuyến đi đáng nhớ trong đời.
Mùa này, đường vào rốn lũ Đồng Tháp Mười đã thấy không khí rộn ràng của những xuồng câu, lưới đánh bắt thủy sản. Những cánh đồng được ngăn thành những khu trồng lúa vụ ba, hoặc xả lũ lấy phù sa tăng độ màu cho đất.
Điểm dừng chân đầu tiên đương nhiên là ngủ giữa rừng Tràm Chim, đêm giữa thiên nhiên còn giữ chút hoang dã nhưng thật hiền hòa, gần gũi với bản hòa thanh đủ các cung bậc của hàng ngàn loài chim quý hiếm.
Ai có hứng thú thì mua luôn vé câu cá, để có thể tự túc cái khoản mồi nhậu. Đặc biệt, sẽ là trải nghiệm lạ lẫm cho những du khách nước ngoài khi được ăn, nhậu và ngủ đều… trong mùng.
Trời vừa sụp tối, người phục vụ giăng những chiếc mùng thật lớn, có thể chui vào cả chục người để… ngồi nhậu, nếu không muốn… làm mồi cho muỗi. Một lưu ý đáng giá, nếu đi thuyền “chính quy” thì tốn 700.000đ, còn có số quen cứ alô, sẽ được phục vụ giá rẻ chỉ có 200.000đ.
Đêm thứ hai ngủ lại Trà Sư, cũng là rừng ngập ngọt, nhưng là một không gian văn hóa khác biệt, với những nếp sinh hoạt, sản vật, quà lưu niệm đậm bản sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đó là bước đệm để mọi người chuyển qua những sắc màu mới lạ, với đêm cuối cùng lung linh huyền ảo của mùa nước nổi cùng đồng bào Chăm trên búng Bình Thiên.
Ngay cả đối với người Kinh sống gần đó, vẫn còn thấy lạ lẫm vì cuộc sống khá khép kín, gần như “ẩn cư” của người Chăm An Giang. Một cộng đồng tộc người nhỏ thôi nhưng khá nổi trội trong nét tài hoa về văn hóa văn nghệ, đặc biệt là những bàn tay của các cô gái Chăm dịu dàng dệt nên những tấm lụa thổ cẩm đẹp lạ thường.
Đó là những làng dệt thổ cẩm đã đi vào huyền thoại và vẫn còn lưu giữ đến ngày nay, giờ là ấp Phủm Soài (xã Châu Phong, huyện Tân Châu).
Ngoài ra, còn một số làng dệt lụa tại các huyện An Phú, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành. Về đây, du khách sẽ được nghe lại một phong tục ga- sâm thú vị, tức là tục cấm cung mà người Chăm chỉ mới vừa bỏ hẳn từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Đêm dừng chân bên búng Bình Thiên, hẳn sẽ là đêm “mất ngủ” vì vẻ đẹp huyền ảo trong đêm hội đầy sắc màu quyến rũ, cùng rất nhiều hoạt động ngày càng phong phú hơn, khi lễ hội này sắp bước vào năm thứ 9. Một sân khấu nước dựng ngay trước thánh đường Hồi giáo xã Nhơn Hội, thu hút hàng trăm ngàn du khách.
Mọi người thưởng thức những cuộc đua thuyền, thi lồng đèn, thi bắt lươn, bắt chuột,… rồi tàu hoa đăng rực rỡ trên mặt hồ rộng 200ha, nằm vắt qua 3 xã: Nhơn Hội, Quốc Thái, Khánh Bình; xung quanh là 60ha rừng nguyên sinh.
Đến đây vào mùa nước nổi, du khách sẽ được chứng kiến một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Khi đi thuyền trên sông Bình Di thì thấy nước từ đầu nguồn đổ về cuồn cuộn, ngầu đỏ phù sa; nhưng khi nước đổ vào búng Bình Thiên thì trở nên trong xanh ngăn ngắt quanh năm.
Một chuyến đi ngắn, chỉ dừng chân ở 3 điểm, nhưng du khách được trải nghiệm 3 nền văn hóa khác nhau của 3 dân tộc: Kinh- Khmer- Chăm.
Lễ hội văn hóa mùa nước nổi búng Bình Thiên (An Giang) diễn ra vào 30/8 hàng năm, với chương trình chính là văn nghệ trên sân khấu nước trên mặt hồ. Ngoài ra là các hoạt động văn hóa đua thuyền, chèo xuồng hát đối đáp, hát giao duyên, đờn ca tài tử. Dịp này, An Giang sẽ thả vào hồ hàng triệu con cá giống quý, nhằm bảo tồn nguồn lợi thủy sản đầu nguồn.
Theo Ngọc Trang (Báo Vĩnh Long)
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment