Thiên nhiên đã ban tặng núi Mằn (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) một cảnh quan đẹp, sơn thủy hữu tình cùng hệ động thực vật phong phú. Đây cũng là núi đá duy nhất còn nguyên vẹn trên khu vực vịnh Cửa Lục, vùng đệm của di sản vịnh Hạ Long. Không chỉ có cảnh quan đẹp, danh thắng núi Mằn còn gắn với những câu chuyện văn hóa, lịch sử hấp dẫn, xứng đáng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia vào đầu tháng 7 này.
Nằm giữa hai nhánh suối là suối Đá Trắng (Bạch Thạch Khe) và suối Lưỡng Kỳ (Khe Bân) đổ ra sông Đá Trắng, núi Mằn xưa còn có tên gọi là núi Bân, một ngọn núi đẹp và điển hình cho hệ thống núi đá vôi của huyện Hoành Bồ. Hình dáng núi giống như một con voi đang trong thế quỳ phục, vòi chúc xuống khe Bân.
Núi Mằn cao khoảng 300 m so với mực nước biển, có các vách đá cao dựng đứng, khe núi hiểm trở, lưng chừng núi có các tảng đá tự nhiên bao quanh như hình vành mũ, liên kết với nhau vững chắc, tạo thành những nét độc đáo riêng mà không ngọn núi nào trong vùng có được.
Bên trong những rãnh núi hiểm trở có những hang động lừng chừng núi với những thớ, nhũ đá khá đẹp, trên đỉnh núi có rất nhiều vỏ ốc, sò... và có cả những vũng nước tự nhiên trong vắt mà người dân trong vùng gọi là Thiên Bể (hoặc Giếng Trời)…
Bên cạnh những nét độc đáo riêng, núi Mằn còn có hệ thực vật núi đá vôi khá phong phú và đa dạng, có nhiều cây thuốc nam, phong lan và một số loài thú quý như khỉ vàng, kỳ đà, tắc kè, chim chóc. Phía đông của Núi Mằn còn có Hang đầu Bụt, bên trong hang có nhiều nhũ đá rất đẹp…
Bên cạnh những vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng, núi Mằn còn gắn với truyền thuyết ly kỳ về "Ông khổng lồ gánh đá vá trời” từ thuở khai thiên lập địa. Đến nay, nơi đây vẫn còn lưu lại nhiều địa danh gắn với truyền thuyết này như ruộng ông Khổng Lồ, đồi ông Khổng Lồ, rồi vết chân ông bước qua sông Cửa Lục tạo thành những dải đất có hình bàn chân (chân ông Khổng Lồ).
Đặc biệt, là khi ông trở vai làm đòn gánh gãy làm đôi, một bên gánh rơi xuống thành phố Hạ Long (là núi Truyền Đăng - núi Bài Thơ), một bên rơi xuống địa phận Xích Thổ (Hoành Bồ) chính là núi Mằn ngày nay...
Bên cạnh giá trị về cảnh quan, tâm linh, núi Mằn còn có những giá trị gắn với lịch sử, văn hóa của dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu về lịch sử, địa chất, địa mạo, thì núi Mằn chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa Sơn Vi, Đông Sơn, cần phải được nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện. Những bút tích bằng chữ Hán cổ, đồ thờ tự phát hiện trong hang động tại núi Mằn những hiện vật như vỏ sò, ngao, các loài cây sú, vẹt... và những hệ thực vật biển hóa thạch phát hiện trong hang động là minh chứng về nguồn gốc, sự hình thành, phát triển của di tích, không chỉ có giá trị về danh thắng mà còn có giá trị về địa chất cổ sinh học.
Theo ghi chép của Đồng Khánh dư địa chí (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn năm 1886-1888), Hoành Bồ thời bấy giờ có nhiều núi đá đẹp như núi Bân (núi Mằn), núi Truyền Đăng, núi Hạp, núi Phượng Các…
Tuy nhiên, chỉ có hai ngọn núi nổi tiếng được xếp hạng vào danh lam thắng tích thời Đồng Khánh là núi Mằn và núi Truyền Đăng. Hiện núi Truyền Đăng (núi Bài Thơ ngày nay) thuộc địa phận TP Hạ Long, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia nằm trong khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bài Thơ.
Các nhà nghiên cứu về lịch sử thì cho rằng, núi Mằn từng là đại bản doanh của quân đội nhà Lý trong cuộc kháng Tống thế kỷ XI. Trong hai lần kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông (1285, 1288), núi Mằn được Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chọn làm đại bản doanh dự bị chiến lược của đạo thủy binh nhà Trần. Sau chiến thắng trận Bạch Đằng năm 1288, vua Trần Thánh Tông đã chỉ huy quân đội nhà Trần vượt biển tiến vào vịnh Cửa Lục, đóng quân tại núi Mằn rồi từ đó tiến lên chặn đánh và truy kích quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy trên đường rút chạy về nước qua đường Đình Lập - Lạng Sơn...
Không chỉ là danh thắng đẹp, có cảnh sắc hữu tình với câu sấm trạng nổi tiếng lưu truyền đến tận ngày nay “Mằn sơn án hải, vạn đại Đế Vương”, ngọn núi nổi tiếng từ thời Đồng Khánh còn chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hoá. Theo lời người dân địa phương kể lại, từ ngàn xưa, nhân dân trong vùng thường coi núi Mằn và núi Bài Thơ là hai cặp núi song sinh với nhiều truyền thuyết hấp dẫn, ly kỳ. Trong đó, núi Mằn gắn liền với truyền thuyết “Ông khổng lồ gánh đá vá trời”.
Tương truyền rằng, mỗi bước chân ông đi qua đều gắn liền với một số địa danh lưu truyền đến ngày nay. Đặc biệt, khi ông trở vai, đôi gánh gãy làm đôi, một bên gánh rơi xuống TP Hạ Long là núi Bài Thơ, một bên rơi xuống địa phận Xích Thổ (huyện Hoành Bồ) chính là núi Mằn ngày nay. Di tích núi Mằn còn gắn liền với các sự tích lịch sử về Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương và các truyền thuyết liên quan đến hệ thống đình, miếu nằm rải rác trên địa phận xã Thống Nhất và thị trấn Trới (huyện Hoành Bồ), như: Miếu Ông Cộc, miếu Ông Lang, miếu Ông Dài, đình Xích Thổ...
Để thờ thần núi Mằn (Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương) và Long Hải sơn thần (vị thần cả cai quản vùng sông nước), nhân dân trong vùng đã xây dựng đền Bạch Trạch ngay dưới chân núi. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đến nay đền không còn thờ Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương và Long Hải sơn thần, mà xây dựng thêm am thờ Phật và thờ Mẫu Thượng Ngàn, Tam toà Thánh Mẫu. Đền có khuôn viên gần 1.000m2, bao gồm các công trình: Phủ Bà Chúa Đá trắng, am Thờ Phật, nơi thờ Sơn Thần và Cung bà Chúa Bản thổ. Hầu hết các công trình được xây trạch, trát vữa, mái lợp ngói tây và nền lát gạch hoa. Cùng trong quần thể di tích núi Mằn còn có đền ông Cộc, Ông Dài, Ông Lang, miếu Cạch Trạch.
Leo núi Mằn cũng là một thú vui hấp dẫn. Đứng ở độ cao trên 300m so với mặt nước biển, du khách có thể thưởng ngoạn cảnh quang tuyệt đẹp của 02 con suối Đá Trắng và Lưỡng Kỳ hợp lại trước khi đổ ra sông Cửa Lục. Du khách cũng được chiêm ngưỡng quang cảnh kỳ vĩ của toàn Vịnh cửa Lục mênh mông sóng nước, ngút ngàn màu xanh của rừng ngập mặn và điểm xuyết là những con thuyền nhỏ xíu. Nhìn lên cao là trời mây lồng lộng, bầu trời như được đẩy lên cao hơn, không gian được kích rộng ra, xung quanh là cỏ cây hoa lá với tiếng chim hót ríu rít thật thanh bình, lãng mạn. Núi Mằn – thật xứng danh là Danh thắng.
Theo Baotintuc, Baoquangninh
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment