(GLO) - Chỉ cách trung tâm xã 5 km, cách đường tỉnh 666 chưa đầy 10 km, nhưng để vào được làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang với thời tiết thuận lợi phải mất khoảng một giờ đi xe máy. Còn trời mưa vào được làng thì thực sự là một thử thách.
< Làng Pờ Yầu hôm nay.
Chúng tôi đến UBND xã Lơ Pang liên hệ công tác đúng thời điểm xã có cuộc họp, vì vậy chưa thể nắm được thông tin từ xã. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của một thầy giáo đã có thời gian công tác tại Pờ Yầu dẫn đường, chúng tôi quyết tâm vào tận làng.
Vượt rừng núi vào làng
Con đường đất bắt đầu từ bìa rừng còn ướt đẫm bởi trận mưa đêm hôm trước. Xe chạy khoảng vài trăm mét qua Trạm Quản lý Bảo vệ rừng làng Len, chúng tôi đã phải đối mặt với con dốc đầu tiên. Hai chiếc xe 110 phân khối đều cài về số một, vậy mà người ngồi sau vẫn phải tụt xuống để xe ì ạch bò lên dốc.
Chúng tôi thay nhau người lái xe rồi người đi bộ từ từ vượt qua ngọn núi thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường cách bìa rừng khoảng 4 km, chiếc điện thoại báo tín hiệu “không có dịch vụ”, thầy giáo dẫn đường giải thích: “Bắt đầu từ nơi này vào đến trong làng sóng điện thoại vẫn chưa có”.
Hết lên dốc, đoạn xuống dốc cũng nguy hiểm không kém, hai chiếc xe máy liên tục trở về số hai rồi số một, kết hợp với thắng chân. Chúng tôi suýt bị lộn nhào bởi những khúc cua “tay áo”, dốc đứng, những đoạn gỗ rừng chắn ngang đường bị đổ rạp bởi những vết cưa máy vẫn còn mới. Thỉnh thoảng bắt gặp một vài chiếc xe ô tô trọng tải khoảng 3 tấn, bánh xe quấn xích, phủ kín bạt trên thùng xe, chầm chậm tiến về phía cửa rừng. Nhọc nhằn hơn một giờ, qua hai ngọn núi chúng tôi cũng vào đến Pờ Yầu. Ngôi làng yên bình nằm gọn một góc núi.
Đã quá trưa, trong làng chỉ còn những người già và trẻ con đang nô đùa. Rất may chúng tôi gặp được anh Đinh Mra vừa về nhà lấy cơm mang ra chỗ làm. Mra nhanh nhảu: “Mấy ngày mưa vừa qua làm hỏng cầu đoạn đường sang xã Hà Ra, dân làng đang chuyển gỗ làm lại cầu, các anh có đi thì theo mình”. Hướng đường sang nơi làm cầu của dân làng cũng không kém phần nguy hiểm, đường quanh co, dốc cao, hiểm trở.
< Dân làng tập trung đẩy khúc gỗ xuống suối để bắc cầu.
Qua một chiếc cầu gỗ tạm, chúng tôi cũng đến nơi dân làng tập trung làm cầu. Gọi là cầu nhưng thực tế là một cây gỗ rất to rỗng ruột, được chắn ngang qua suối, sau đó đắp đất lên trên. Ai cũng nóng lòng để làm cho xong, vì để đến khu trồng lúa nương, bời lời của đa số người dân đều phải qua “chiếc cầu” này.
Điện vào “ốc đảo”
Trước năm 2010, có lẽ tài sản lớn nhất lúc đó của làng là… hai máy phát điện chạy bằng sức gió do Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh tặng. Chiếc máy lúc đầu thiết kế để sáu nhà có thể được dùng điện nhưng cuối cùng chỉ có hai nhà có điện, mà cũng chỉ có khoảng hai giờ mỗi ngày. Và tiếng ồn của nó cũng làm nhiều người già trong làng khó ngủ... Niềm vui mới thật sự trọn vẹn khi Tổng Công ty Điện lực miền Trung có dự án đầu tư đường điện vào Pờ Yầu.
Tết 2010, lễ đóng điện được tổ chức ngay tại làng. Mọi người trong làng reo hò khi ánh điện tràn ngập trong làng. Còn già làng Đinh Xuyên, ông về nhà bắt ngay ba con gà đãi cán bộ điện lực và đám trai làng uống rượu thâu đêm. Cán bộ một đơn vị thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung cho biết: “Suất đầu tư đường điện vào đây là khá cao, lên đến hơn 4 tỷ đồng. Mỗi tháng chúng tôi chỉ thu được 600-700 ngàn đồng tiền bán điện. Tiền điện thu được ở đây cũng không thể đủ trả lương cho một người làm công tác đi thu. Đường điện này phục vụ dân sinh là chủ yếu…”.
< Máy phát điện chạy bằng sức gió giờ thành phế tích.
Có điện, chiếc máy phát điện trở nên lạc hậu. Già làng phán: “Phải cho chiếc máy phát điện kia nghỉ thôi!”. Đám trai làng lập tức thực thi quyết định của ông. Có điện, mọi người trong làng đua nhau mua ti vi. Cả làng có hơn 50 cái ti vi. Suốt ngày làng như có hội bởi tiếng ti vi, tiếng nhạc át luôn tiếng của từng cơn gió thổi thông thốc qua hẻm núi.
Nhưng làng vẫn thiếu… đủ thứ!
Pờ Yầu với 95 hộ đều là người Bahnar, với 447 nhân khẩu, 100% thuộc diện hộ nghèo và luôn đối diện với cảnh đói thuốc chữa bệnh nhiều năm nay. Thi thoảng mới có cán bộ y tế vào nhưng chẳng ai chịu ở lại. Suốt mấy năm nay, hễ làng có người đau nặng thì đám trai làng lực lưỡng lại mang võng gánh người bệnh chạy bộ qua núi. Gần đây người làng mới có xe máy nhưng đường đi quá khó, nếu chở được người bệnh ra cơ sở y tế thì hẳn bệnh cũng nặng thêm.
Lúc chúng tôi đến, chị Đinh Le đang bế đứa con trai chưa đến hai tuổi đi quanh làng dỗ cho nó bớt khóc. Thằng bé thỉnh thoảng lại khóc ré lên, ho từng cơn nghe quặn lòng. Người nó nóng ran, da nổi ban, ăn vào cứ nôn ra, đang lả đi vì mệt và đói. “Nó đau từ hai ngày nay, mai mới đưa ra viện. Chồng mình hôm nay phải đi cùng thanh niên trong làng vào rừng chăn bò… Chẳng có cán bộ y tế nào vào lâu với làng để mình nhờ xem bệnh cho con”- chị Đinh Le nói.
Chúng tôi đến làng đúng vào dịp nghỉ hè. Đám trẻ con trong làng hết học, lớn thì cầm nỏ theo bố lên rừng bắn con dúi, con chồn. Lứa nhỏ hơn tụm lại xem phim kiếm hiệp. Mặt mày, áo quần đứa nào cũng lem luốc. Thấy người lạ, chúng chẳng buồn ngoảnh mặt lên nhìn cứ dán mắt say mê với các trận đấu võ thuật trên phim.
< Lớn hơn một chút thì theo cha bắn thú.
Những đứa nhỏ hơn nữa thì tha thẩn nghịch đất. Đồ chơi của chúng đơn giản chỉ là một cái can cắt đôi, đục hai đầu gắn hai bánh xe tự chế. Buộc thêm sợi dây vào cái vỏ can đã cắt nửa, vậy là thành một chiếc xe. Món đồ chơi này chạy chầm chậm theo bước chân lững thững của lũ nhỏ. Thỉnh thoảng, chúng hứng lên chạy một vòng, hét toáng lên đầy vẻ phấn khích. Và cuộc chơi cứ lặp lại buồn tẻ mỗi ngày khi bố mẹ chúng lên rẫy.
Nhiều nhà trong làng hễ đến mùa giáp hạt lại lo đối mặt với chuyện đói. Chính quyền cấp huyện, tỉnh các năm qua đã có nhiều chương trình chính sách hỗ trợ cho người dân ở đây phát triển kinh tế nhưng cũng chưa thấm vào đâu. Chị Đinh Khăm, 25 tuổi nói: “Nhà mình không có đất nhiều, làm chút xíu thôi. Làm lúa, trồng bời lời không đẹp nên thu ít; không có tiền mua thuốc uống. Lúa gặt về chỉ được 5 bao, ăn không đủ. Mình có hai con, đứa nhỏ mới một năm đau miết”.
Làng như có hội mùa World Cup. Đám trai làng cũng giống như thanh niên phố thị như phát cuồng với từng trận bóng. Vài con cá khô, hũ rượu ghè, vậy là đủ cho ba trận bóng mỗi đêm. Ở làng, hai món “đặc sản” được yêu thích từ các chương trình ti vi là phim võ thuật và bóng đá. Lúc chúng tôi đến, Đinh Nghia vẫn đang còn ngất ngưởng và cay cú với trận bóng đêm qua khi anh thua độ một hũ rượu ghè. Còn chàng trai Đinh Dơm thì ngược lại, vừa đi vừa nghêu ngao một bài nhạc của người Bahnar vì thắng độ.
Chị Trần Thị Thuận, ở xã Kdang (huyện Đak Đoa) hay vào Pờ Yầu buôn bán nói: “Có nhà bán bời lời thu cả trăm triệu đồng, nhưng cũng không ít nhà thu nhập mỗi năm chỉ chừng vài triệu đồng, không đủ tiêu. Cuộc sống của nhiều người dân trong này còn khổ lắm”…
Được biết, từ cấp tỉnh đến huyện đều có chủ trương đưa dân ra gần sát trung tâm các xã lân cận để cuộc sống người dân bớt khổ. Có lẽ cuộc sống tự do giữa đại ngàn là lý do khiến người làng Pờ Yầu chưa mặn mà với chủ trương này chăng?
Theo báo Gia Lai
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment