(TPO) - Từ thị xã Hà Tĩnh đi khoảng 20 km về huyện Thạch Hà sẽ tới đền thờ Lê Khôi. Ông là người làng Lam Sơn, huyện Thuỵ Nguyên (nay là Thọ Xuân), tỉnh Thanh Hoá.
Lịch sử còn ghi lại: Lê Khôi là con của Lê Trừ; Lê Trừ là anh thứ hai của Lê Lợi. Ngay từ nhỏ Khôi đã là người thông minh, nhân hậu và có dũng khí. Khi chú (Lê Lợi) dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh ở Lam Sơn (mùa xuân năm 1418) thì Khôi là một trong những người đầu tiên về đứng dưới cờ. Trong suốt 10 năm trường kỳ kháng chiến, Lê Khôi là một dũng tướng có tài thao lược, một trợ thủ đắc lực của Lê Lợi. Đánh đuổi xong giặc nhà Minh, ông trở thành một trong những khai quốc công thần của nước Đại Việt.
Đời vua Lê Nhân Tông, Lê Khôi được giao trấn thủ Nghệ An. “Năm 1443 Lê Khôi thống lĩnh đại binh đi đánh giặc.
Thắng trận trở về, dọc đường chẳng may ông bị ốm nặng, mất ở chân núi Nam giới, mộ táng tại chóp Long ngâm (thuộc huyện Thạch Hà ngày nay). Năm 1487 Lê Khôi được vua Lê Thánh Tông truy tặng là “Chiêu Trưng Đại vương”... (Ghi ở đền Lê Khôi).
Núi Long ngâm không cao, ngày đêm rì rầm tiếng sóng. Cửa đền nhìn ra phía biển, có hai hàng trụ, ba mặt ghi câu đối ca ngợi công đức của người trung liệt và sự linh thiêng của vùng đất này.
Đền thờ giữ nguyên vẻ cổ kính, gồm ba toà chính: Thượng điện, trung điện và hạ điện. Phía trước là tam quan, có một vườn hoa chanh, hoa bưởi đang mùa nở thơm ngát; phía sau là lăng nhị hầu, nơi có phần mộ của Chiêu Trưng đại vương.
Toà trung điện kiến trúc bên ngoài đơn sơ, bên trong tinh xảo với nhiều đề tài như: tứ linh, bát tiên, tiên đánh cờ, tiên cưỡi hạc...
Vào đền có hai lối: đường bộ và đường biển. Đường bộ phải leo một đoạn núi, xuyên qua rừng cây nhiều tầng, vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên sơ. Cảnh vật thật là u nhã. Mùa xuân, mưa bụi bay mù mịt, cây đứng dựa vào nhau trong hơi nước mờ ảo, mướt xanh.
Bạn đã bao giờ nhìn thấy quả thông non chưa ? Nó vừa giống một búp tay, lại như nét chúm môi của người thiếu nữ. Ai đó thốt lên: Phong cảnh nơi này chẳng thua gì trong phim “Thập diện mai phục”! Len qua những khe đá hẹp, đường gần hoá xa, thấp hoá cao, như đang đi lên trời.
Từ biển đi vào còn đẹp hơn nữa. Thuyền cặp bến, có một cây cầu gỗ mong manh, gối đầu vào hai khối đá lớn đỡ chân du khách. Vượt qua khung cửa đá, đặt chân lên cát mịn độ mươi bước là đến cổng đền.
Tôi ngẫu nhiên chứng kiến đoạn đối thoại giữa hai mẹ con khách thập phương với người có lẽ là thủ từ của ngôi đền. “Chúng con từ Hà Nội vào lễ đền đến nay là 10 năm liên tục. Từ khi cháu mới học lớp 6, nay đã tốt nghiệp đại học, ra trường vào làm ở cơ quan bộ rồi đấy ạ! Chào ông đi, con !”. Ông lão móm mém nụ cười tủm: “Không dám. Phúc đức tại mẫu...”.
Theo Hữu Việt (Báo Tiền Phong)
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment