(CPN) - Đến làng chài Vĩnh Hy lúc sáng sớm, bạn sẽ có những giây phút thư thả ngồi đợi những chuyến tàu cập bến, sẽ tung tẩy trên tay mớ mực tươi rói, sẽ ngồi chồm hổm ăn bánh xèo giá có vài ngàn mà chất lượng đến kinh ngạc*.
Qua hết mấy cái mùng, tự nhiên cái chân bồn chồn muốn đi. Tạm xa cái náo nhiệt của đô thị, tôi và bạn lang thang trên xe máy để tìm về vùng vịnh nổi tiếng gần xa - vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận, cách nhà tôi chừng 60 cây số.
Đi từ sáng sớm mịt mờ để bắt kịp bình minh vùng biển, Vĩnh Hy đón chúng tôi giữa cái lạnh vừa bàng bạc của biển, vừa se sắt của núi. Bạn bảo mình phải có mặt trước lúc mặt trời lên để đón những thuyền đánh cá về.
Dạo một vòng qua làng chài, tôi như lạc vào một tổ ong bởi vô số những hẻm dọc, hẻm ngang rất dễ nhầm lẫn. Lúc này bên trong các cánh cửa vẫn còn đóng, mọi người đã lục tục châm đèn, nhóm bếp. Làng chài vẫn còn đang ngái ngủ trong dư âm của Tết. Mùi Tết vẫn vương vất trên những cành mai hay vạn thọ trước cửa xen lẫn với mùi nhang trầm. Không gian yên ắng, đối lập hẳn với không khí ngoài bờ kè - nơi cá về.
< Những chú mực tươi rói còn đổi màu loang loáng.
Từ tờ mờ 5 giờ sáng đã có những nhóm khoảng chừng 7-8 người ngồi theo tụm ở ven bờ kè để chờ thuyền cập bến. Sau mấy ngày Tết no nê với các loại thịt thà béo ngậy, những thức ăn từ biển trở nên giá trị và đáng để chờ đợi. Dulichgo
Khoảng gần 6 giờ, những chiếc thuyền thúng trở về. Không xuất hiện hoành tráng như những chiếc tàu đánh cá lớn, mỗi chiếc thúng mang về vài ba cần xé mực, cá sau một đêm cần mẫn vật lộn với biển khơi. Không khí đang yên ắng bỗng chốc nhộn nhạo hẳn lên. Những người vợ của chủ thuyền vội vàng cân và giao cho mối lái.
Chỉ trong vòng chưa tới 5 phút, mọi người đã giải tán, không gian trở lại yên ắng như ban đầu vì khâu mua - bán diễn ra hết sức nhanh chóng. Những giỏ cần xé được chuyển lên xe máy và tỏa ra khắp nơi cho kịp chợ sáng. Trong số đó, có những người muốn mua lẻ nên bờ kè cũng là nơi tạm sơ chế, cắt khúc cá ngay tại chỗ hoặc cân vài ba ký mực. Cứ như vậy, từng đợt thuyền thúng thỉnh thoảng về, đám đông lại nhốn nháo lên rồi ngay sau đó chìm vào tĩnh lặng.
Có mua hải sản “tận ngọn” như thế này mới thấy hết cảm giác sung sướng khi ngắm nhìn những con cá tươi cong hây hẩy hay những con mực vẫn còn hồn nhiên đổi màu lấp lánh.
< Việc mua bán diễn ra nhanh chóng...
Đi vào từng ngõ ngách của làng, cảnh tượng dễ nhận thấy là chợ tạm trước ngõ một vài gia đình. Mực hay cá sau khi được mua hoặc mang về sẽ được trải ra trên tấm bao nilong nhỏ. Mọi người bu lại, loáng cái, vạt cá hết veo.
Mặc dù chợ làng cũng bán đầy đủ các loại thịt và rau quả như các vùng khác nhưng một hình ảnh khá phổ biến là các bà, các cô, các chị thường đi thong thả trên đường với những bịch mực hay cá trên tay - thành quả của một chuyến đi biển đêm của ngư dân.
Và điểm nhấn của chuyến rong chơi Vĩnh Hy là một bữa sáng no nê với món bánh xèo mực.
Có chứng kiến cảnh người dân ở đây ăn món bánh xèo mực mới thấy hết sự ngạc nhiên thú vị mà một người ở xa như tôi lần đầu chứng kiến. Nếu khách hàng là người trong làng, họ sẽ đến quán với tô mực tươi trên tay và nhờ người bán bánh “đổ bánh xèo” cho họ. Mực không cần tẩm ướp, chỉ cần rửa sạch, để nguyên túi rồi cho vào khuôn bánh. Dulichgo
Nhìn khuôn bánh đầy ắp mực tôi tự hỏi đây là bánh xèo mực hay mực bánh xèo bởi chiếc bánh lớn hơn lòng bàn tay một chút mà có đến 3-4 con mực.
Cũng bột gạo, mắm nêm, mắm cà, rau kèm… mà sao cái bánh xèo ở đây ngon và ngọt lạ lùng theo một cách giản đơn nhất. Những túi mực đen nhánh chảy tràn cả ra bánh, thấm vào chân răng nghe ngòn ngọt. Mắc cười nhất là khi nhìn bạn đồng hành cười, hàm răng trắng ngày nào đã bị nhuộm đen, vì cái gì thì bạn cũng biết rồi đấy!
< ... để kịp cho mực lên khuôn.
Trong buổi sớm se lạnh, mọi người quây quần bên lò lửa ấm, nghe mùi bánh thơm thơm và tiếng xèo xèo của mỡ, của bột bánh mà thèm đến mức phải… chấm rau với mắm nêm ăn cho đỡ thèm trong khi chờ tới lượt.
Hỏi chị chủ quán: “Nếu mà tụi em hổng có mực thì sao?” “Thì chị đổ bằng mực của chị, cũng nhiều như vậy đó”. Hỏi chị lấy bao nhiêu một cái? “Ờ, bánh có sẵn mực đem tới thì chị lấy hai ngàn, còn nếu bánh lấy mực của chị thì bốn năm ngàn.
Quá vừa lòng khách với những bột, thịt ba chỉ, mắm ngon và rau tươi rói mà giá bình dân như vậy thì phải nói người Vĩnh Hy sao mà rộng rãi quá!
Ăn sáng xong, chúng tôi chạy một vòng quanh đường biển, ngắm nhìn những vạt biển xanh thẳm vô định với màu trời, xuýt xoa với những chùm nho căng mọng nép mình vào núi, la hét khản cổ đàn bò nhởn nhơ vô tư lự để chúng tránh đường, nở nụ cười thật hiền với những em bé Raglai trên đường, bấm máy ảnh lia lịa cảnh gia đình dê đang cheo leo lưng chừng núi và mở bung lồng ngực để hít gió, hít muối. Khoan khoái lạ thường!
< Và đây, chiếc bánh xèo mực nhiều hơn bột.
Nếu một ngày bạn thấy chán với lịch làm việc đều đều mỗi ngày, hãy thử cho mình một buổi sáng thong dong ở một làng chài nào đó như Vĩnh Hy, không phải theo cách của một người đi du lịch với lỉnh kỉnh máy ảnh, túi xách mà hòa lẫn vào nhịp sống của một người làng.
Bạn sẽ ngồi đợi những chuyến cá sớm, sẽ bon chen vô đám đông mua bán mà trả giá, sẽ hài lòng quẩy trên tay mớ mực và đi tới quán bánh xèo, sẽ ngồi chồm hổm ăn bánh như cái cách mà người dân mình thưởng thức. Bạn sẽ thấy cái giọng miền biển sao mà mặn mà khó nghe mà dễ gây thương nhớ hệt như cảm giác lần đầu ăn mắm nêm vậy.
Theo Tapai (Người Lao Động)
Du lịch, GO!
Điền Gia Dũng: Mình may mắn từng đến Vĩnh Hy cái thuở mà địa danh này chưa 'nổi tiếng lừng lẫy'như bây giờ. Cũng như bao vùng đất ven biển khác: nơi hoang sơ với cảnh vật, chân chất với con người (ví dụ như Vĩnh Hy mà bài viết đề cập, biển Bình Tiên gần đó hay An Chấn - Tuy An... v.v) - Thuở cái bánh xèo chay chỉ 500 đồng, có mực thì 2k. Ăn cũng cần tự đếm số lượng mình đã 'măm' để lúc trả tiền cũng tự tính. Còn nếu là khách lạ, lỡ không đếm thầm thì... muốn trả bao nhiêu thì trả chứ sao bi giờ?
Loại mực sữa con con này có ở nhiều ở tất cả những vùng ven biển, mình đã từng mua ở Đại Lãnh, ở Tuy An, thậm chí cả ở Mũi Né. Mực tươi rói, trong văng vắt cả tấm thân và giá cũng rất bèo. Khi mực đã lên bờ rồi thì chỉ sau 1 tiếng, cái 'sự tươi' giảm dần thể hiện qua màu trắng đục (không còn trong trẻo nữa). Bạn có thể canh mua khi các thuyền thúng vào bờ hay đến các chợ nhỏ gần biển.
Blogger Comment
Facebook Comment