Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Quy Nhơn, Bình Định, Vietnam

Bánh dừa Giồng Luông - Bến Tre

Ngày nay, khi các loại bánh khác đang "lên ngôi", những loại bánh dân gian dần mai một, tuy nhiên chiếc bánh dừa vẫn đem lại cảm giác nhẹ nhàng, tao nhã từ trong hương vị đến tên gọi của nó. Bến Tre vùng đất ba dãy cù lao, với sông nước hữu tình, miệt vườn trù phú cây trái bốn mùa cho quả ngọt, một vùng đất với nhiều “hào sản” thấm đậm tình người tình đất phương Nam được mệnh danh là quê hương xứ dừa.

Để rồi cũng từ đó, người khách phương xa ghé thăm không chỉ biết đến xứ dừa với loại nước dừa ngọt ngào, các sản phẩm mỹ nghệ độc đáo được tạo ra từ cây dừa mà biết đến một loại bánh mang đậm nghĩa tình quê hương xứ sở “bánh dừa Giồng Luông” - món quà của những người mẹ đi chợ mua về đón tay trong kí ức tuổi thơ của bao đứa trẻ nơi đây.

Giồng Luông thuộc xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cách thị trấn Thạnh Phú 12 km về hướng Tây Bắc, cách thành phố Bến Tre gần 40 km về hướng Đông Nam. Đại Điền không chỉ nổi tiếng với những chiến công oanh liệt của quân và dân huyện Thạnh Phú nói chung, Đại Điền nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mà nơi đây còn là nơi xuất quân của tiểu đoàn 307 anh hùng; nhà cổ Hương Liêm một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào 14/4/2011; mà Đại Điền còn nổi tiếng với chiếc bánh mang đậm hương vị quê nhà “Bánh dừa Giồng Luông”. Dulichgo

Theo các bậc cao niên trong vùng, nghề làm bánh dừa ở Giồng Luông ra đời cách nay trên trăm năm, lúc đầu chỉ một số hộ gia đình làm bánh chủ yếu là để ăn trong những ngày lễ tết, hoặc để biếu người thân, bạn bè cho nên việc làm bánh chỉ mang tính “nữ công gia chánh” trong gia đình. Do đó, khi làm bánh, người dân chú trọng cả chất lượng cũng như hình thức của bánh, nên bánh không chỉ ngon, mà còn đẹp, bánh có thể để năm ba ngày, không bị ôi thiu, ăn vẫn còn ngon vẫn không mất đi cái hương vị độc đáo vốn có của nó. Qua thời gian, nghề dạy nghề, người dạy người, bánh dừa Giồng Luông đã được bảo tồn phát triển và được nhiều du khách biết đến, đã trở thành một trong những sản phẩm nổi tiếng của tỉnh Bến Tre.

Muốn tạo nên một chiếc bánh dừa ngon thì khâu quan trọng là chọn các nguyên vật liệu cần thiết, nếp được chọn để làm bánh phải là nếp sáp, dẻo và thơm. Ngâm từ bốn đến năm tiếng, người thợ mới bắt đầu gút nếp, vo nhiều lần để loại bỏ các tạp chất, nếu không bánh sẽ mau thiu. Nếp ấy được cho vào thúng, đặt nơi thoáng gió để cho thật ráo. Bánh này thì không thể thiếu nước cốt dừa, mà dừa chọn phải là dừa khô, đủ độ béo được bào mõng ra và trộn chung vào nếp, thêm ít muối và đường rồi người thợ trộn đều tay. Bánh dừa thì đa dạng với nhiều loại bánh khác nhau như: bánh dừa đậu xanh, bánh dừa chuối, bánh dừa nước tro, bánh dừa đậu đen,....

Nếu bánh tét gói bằng lá chuối thì bánh dừa lại được gói bằng lá dừa, cái tên bánh dừa cũng từ đó mà ra. Lá dừa còn non tơ và thơm mùi lá mới quyết định cả hương vị của của bánh dừa, nếu gói bằng thứ lá khác thì chẳng bao giờ có được mùi hương thơm đặc trưng của bánh dừa. Sau đó, người thợ phải quấn từng lá nồng theo đường êlip, tạo thành chiếc nồng gói bánh. Nghe thì dễ nhưng có mấy ai làm được nồng bởi chỉ người khéo tay và có thâm niên thì xoay nồng mới khéo, đều và đẹp. Kế đến là nếp được cho từ từ vào nồng, ép chặt, tùy loại nhân mà người ta thêm chuối, đậu xanh, đậu đen vào. Nếp được cho vào vừa đầy và buộc chặt bằng dây lạt hoặc gân lá. Sau đó, bánh được cột thành chùm và đem hấp, lửa hấp bánh phải đều không được quá lớn hoặc quá nhỏ, nước hấp bánh nhớ bỏ vào một ít phèn chua để màu bánh được tươi và đẹp. Dulichgo

Chiếc bánh ngon và giữ được lâu cũng là một bí quyết của người thợ làm bánh; bánh muốn ngon, phải ăn khi bánh vừa nguội khi được lấy từ lò hấp ra mới cảm nhận hết hương vị vốn có của nó. Khi ấy, nếp mới đủ chắc, dẻo quẹo, hạt đậu đủ bùi, chuối đủ chín, ăn vào có mùi nước cốt dừa thơm béo đến ngất ngây. Bánh dừa được bán mọi nơi, bánh được bỏ đi nhiều địa phương khác trong tỉnh, nhưng khi có dịp đến với Đại Điền, huyện Thạnh Phú, mua bánh và thưởng thức ngay tại lò thì du khách mới cảm nhận được được hết cái hương vị quê hương thật sự chứa đựng trong từng chiếc bánh mộc mạc làng quê này, vị thơm ngọt của bánh hay vị ngọt ấm tình người dân xứ sở, chắc lòng và ấm áp hương quê.

Ngày nay, chiếc bánh dừa Giồng Luông cũng “vượt biên” theo bước chân người. Sinh viên đi học, người ra ngoại tỉnh làm thêm, đi thăm cô dì chú bác, ai nấy đều xếp trong hành lý của mình chục bánh dừa làm quà. Hiện nay, bánh dừa Giồng Luông trở thành sản phẩm hàng hóa đa dạng về chất lượng, theo những chuyến đò, chuyến xe miền Tây đi đến tận thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,... Bánh được sản xuất thường nhật tại nhiều hộ ở Giồng Luông, mang đậm nghĩa tình quê hương xứ sở với cái tên gọi thân thương “Bánh dừa Giồng Luông”.

Dẻo thơm cái bánh lá dừa... 

Theo Việt Văn (SVHTTDL Bến Tre)
Du lịch, GO!
SHARE

Milan Tomic

Hi. I’m Designer of Blog Magic. I’m CEO/Founder of ThemeXpose. I’m Creative Art Director, Web Designer, UI/UX Designer, Interaction Designer, Industrial Designer, Web Developer, Business Enthusiast, StartUp Enthusiast, Speaker, Writer and Photographer. Inspired to make things looks better.

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
    Blogger Comment
    Facebook Comment