Hơn hai giờ chạy xe từ trung tâm thành phố Hòa Bình, chúng tôi đã lọt vào Lạc Sơn, nơi một thời được gọi là "đất thín".
Sở dĩ xưa kia gọi nơi đây là "đất thín" vì có câu chuyện tương truyền các nhà lang đã giấu đất ấy để không phải nộp tô thuế, náu luôn cả những xâm thực văn hóa từ Bắc thuộc đến tận Pháp thuộc.
Nắng còn chưa lên quá hàng cau đầu dốc, người với trâu đã lấm lem dưới ruộng cày. Những bờ xôi, ruộng mật ôm ấp đôi vụ lúa, xen lẫn vụ ngô, khoai như chiếc nôi cũ kỹ mà sinh sôi ra bao điều rực rỡ của nền văn hóa mường.
Tiếng lành đồn xa, chúng tôi ngược lên xã Chí Đạo. Nghe nói trước đây là đất của dổi. Người đi rừng qua đất Lạc, chỉ cần ngả lưng dưới khối rễ lớn của những thân dổi sạch như giường, bóng dổi che mát làm người ta có thể ngủ quên đến chiều muộn. Gỗ dổi rừng mấy người ôm không xuể, gỗ cứng lại có vân đẹp đã dựng nên bao nếp nhà sàn Mường. Dulichgo
Nhưng điều làm nên chất dổi vùng đất này phải là thứ hạt khô rơi rắc dưới gốc mỗi độ giữa thu. Thứ hạt khô nhăn nheo nhìn chẳng vừa mắt nhưng lại có vị hương độc đáo mà hễ ai cứ đặt vào đầu lưỡi cũng phải tấm tắc khen. Thấm chất màu của đất Mường Vang nguyên sơ, hạt dổi sinh ra như thể một sứ mệnh của trời đất để làm sang cho mâm cỗ lá người Mường với món thịt lợn, rau đồ, canh măng chua nấu cá suối. Giờ đây, rừng đã vơi nhưng khi về dưới mái sàn, nghe cụ già trong bản kể, một cây dổi từ tổ tiên để lại trong vườn đã được ươp mầm tạo nên những rừng dổi mới.
Khi nhiều nơi đang loay hoay tìm cách bảo tồn nhà cổ, thảng thốt vì mất đi nét văn hóa xưa, thì với con người Lạc Sơn, những giá trị văn hóa cổ truyền cứ hiển nhiên như một con đường đã in hằn dấu chân bao thế hệ. Những dòng chữ Hán mà quan lang nổi tiếng quách Quách Điêu ghi lại trong Hòa Bình quan lang tỉnh lược như vẫn còn hồn vía đâu đây trong nếp nhà sàn mái rùa, trong tiếng chiêng ngân giữa đất Vang như cũng vang xa để đánh thức những trận chiến của vua Dịt Dàng, Tá Cần… Dulichgo
Giữa chiều mênh mông, đâu cũng vẹn nguyên nề nếp văn hóa Mường xưa, chúng tôi tìm ra sông Bưởi. Dòng sông đã gửi mình vào dòng sông Mã tạo nên cái tên mẹ đằm thắm hạ lưu, làm mềm đi tiếng ngựa hí thượng nguồn mà tạo nên sông Lèn bao dung đổ về Lạch Hới.
Đứng từ những ngọn đồi yên tĩnh nơi đây, nghe suối chảy dưới kia, chợt thấy nền văn minh lúa nước thật kỳ diệu. Biết bao đại lộ, đường bay hiện đại, bao băng tần hiện đại không thể xóa được thứ dòng mạch văn hóa tinh tế như sông, như suối từ nơi xa vắng, tiêu sơ nhất góp lại thành cái lớn lao, đông vui của phố xá, kinh kỳ.
Theo Bùi Việt Phương (Dân Việt)
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment