Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang toạ lạc cạnh bờ sông Rạch Bầu Thiềng thuộc ấp Tân Thiềng, xã Tân An Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long là một trong số 130 thánh tịnh của Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên có lịch sử hình thành và phát triển được xem là một điển hình tiêu biểu cho tinh thần tôn giáo dân tộc, một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước của người đạo Cao đài Tiên Thiên.
Đầu năm 1928, ông Trương Như Thị cùng các chức sắc đạo Cao Đài tạo lập nhà tịnh Kim Linh. Nhà tịnh Kim Linh được lập tại nhà ông Trương Như Thị, thuộc xã Tân Long Hội, huyện Cái Nhum (nay thuộc huyện Mang Thít). Họ đạo ở đây theo hệ phái Tiên Thiên. Năm 1936, ông Trương Hoàng Ngự – một chúc sắc Cao Đài – hiến 7 công đất để xây dựng thánh tịnh mới – thánh tịnh Ngọc Sơn Quang.
Ngay từ năm 1931, bên cạnh các việc hành đạo, các chức sắc và các tín đồ Ngọc Sơn Quang có những hoạt động cách mạng bí mật. Năm 1936, thực dân Pháp niêm phong Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, nhiều chức sắc, tín đồ bị bắt bớ, lưu đày. Dù khó khăn như vậy, nhưng Ngọc Sơn Quang vẫn hướng về cách mạng. Năm 1943, Đảng phân công đồng chí Trần Văn Sen phá bỏ niêm phong Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang và các hoạt động ở thánh tịnh Ngọc Sơn Quang lại diễn ra mạnh mẽ, các đoàn thể nơi đây hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Tháng 8/1945, các đoàn thể ở Ngọc Sơn Quang cùng nhân dân vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Dulichgo
Trong kháng chiến chống Pháp, Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang là điểm tựa vững chắc của Cách mạng. Nhiều đơn vị bộ đội, cán bộ lãnh đạo của Vũng Liêm, Mang Thít bám trụ nơi đây chỉ đạo phong trào của địa phương. Năm 1954, Chi bộ Đảng của Thánh Tịnh Ngọc Sơn Quang ra đời, chỉ đạo các hoạt động cách mạng của Thánh tịnh.
Giai đoạn chống Mỹ cứu nước, nhiều hoạt động cách mạng diễn ra có lúc âm thầm bí mật, có lúc công khai trực diện với kẻ thù, giành thắng lợi lớn trên nhiều mặt. Nổi bật là sự kiện Thánh tịnh Ngọc Sơn dựng đài Ngưỡng Thiên tổ chức lễ cầu nguyện Hòa Bình. Sự kiện này diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16 tháng năm 1970. Đại lễ quy tụ 18 Hội Thánh ở miền Tây về tham dự. Lễ hội đã biến thành diễn đàn chống xâm lược Mỹ, khẳng định Việt Nam nhất định hòa bình độc lập.
Sự kiện này gây tiếng vang trong nước và quốc tế. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài đã đến Ngọc Sơn Quang trực tiếp đưa tin ra toàn thế giới. Kẻ thù tìm mọi cách triệt phá buổI lễ, đàn áp tôn giáo. Đài Ngưỡng Thiên vẫn đứng vững trong sự đoàn kết bảo vệ của tín đồ, của quần chúng nhân dân. Sự kiện này làm cho kẻ thù run sợ.
Sự kiện thứ hai cũng tạo ra tiếng vang lớn diễn ra tháng 7 năm 1973. Tín đồ, chức sắc Ngọc Sơn Quang trực tiếp lên gặp Quận trưởng Minh Đức, Tỉnh trưởng Vĩnh Long, Chỉ huy Vùng IV chiến thuật, Bộ Nội vụ, Phủ Thủ tướng, Tối cao Pháp viện, Bộ Chỉ huy Cảnh sát quốc gia của ngụy… đấu tranh quyết liệt chống bắt lính. Thánh tịnh tổ chức truy điệu trọng thể ba tín đồ bị địch bắt giam, bị thủ tiêu vì chống quân dịch. Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của Ngọc Sơn Quang, địch phải nhượng bộ, thả 181 tín đồ bị giam giữ, cam kết chấm dứt các hoạt động bố ráp, lùng sục Thánh tịnh. Hàng năm, đến ngày 14/11, Ngọc Sơn Quang tổ chức trọng thể kỷ niệm lễ cầu nguyện Hoà Bình.
Hiện nay, muốn đến thánh tịnh có thể đi bằng hai con đường: đường thuỷ từ thị trấn Cái Nhum theo sông Mang Thít đi về hướng Cầu Mới khoảng 3,5 km, rẽ vào vàm Rạch Mương Bầu Thiềng khoảng 0,5 km sẽ gặp thánh tịnh nằm ngay bên trái; đường bộ đi từ thị trấn Cái Nhum hướng về thị xã Vĩnh Long, qua cầu số 8 rẽ trái theo đường Tân An Hội đi vào khoảng 2km. Dulichgo
Nơi đây không có những di sản văn hoá điêu khắc chạm trổ cổ xưa lưu lại mà chỉ là một ngôi thờ tự được xây cất đơn giản theo nếp sống của cư dân Nam Bộ vào những thập kỷ 30. Nhưng trong khung cảnh đơn sơ, mộc mạc ấy thấm đượm tinh thần yêu nước, tinh thần tôn giáo dân tộc và ý chí dũng cảm, quật cường chống giặc ngoại xâm của người đạo Cao đài Tiên Thiên. Có những người đứng đầu phong trào yêu nước tiêu biểu như cụ Thất Hiền Trương Như Mậu, Lê Thành Thân; có những vị chức sắc đã hai lần may cờ Đảng, may cờ Việt Minh vào những năm 1930, 1945 và là nơi hoạt động của những cán bộ cách mạng trong thời kỳ khó khăn.
Để ghi nhận những thành tích của thánh tịnh Ngọc Sơn Quang đã đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đặc biệt là sự kiện lịch sử diễn ra vào năm 1970, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã cấp bằng Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia cho thánh tịnh Ngọc Sơn Quang. Đây là di tích cấp quốc gia đầu tiên được công nhận của huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Hiện nay, di tích này đang được bảo quản và tu bổ theo quy định của Nhà nước nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc cho các thế hệ mai sau. Năm 2007, thánh tịnh Ngọc Sơn Quang đã tiến hành tái thiết Đài Ngưỡng Thiên bằng vật liệu nặng để thể hiện một cách đầy đủ ý nghĩa của khu di tích với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng.
Ngày nay, cứ đến ngày 14, 15 tháng 11 (Âm lịch) hàng năm, tại thánh tịnh Ngọc Sơn Quang đều tổ chức kỷ niệm Lễ cầu nguyện hoà bình đầy trang trọng và thành kính. Có thể nói đây là một hoạt động tín ngưỡng thể hiện đức tin thờ Trời, thể hiện khát vọng hoà bình, độc lập của dân tộc Việt Nam nói riêng và khát vọng hoà bình, độc lập của các dân tộc trên thế giới nói chung, là thông điệp gửi đi khắp nơi kêu gọi tất cả mọi người hãy cùng nhau chung tay xây dựng một thế giới đại đồng, các dân tộc cùng nhìn nhau như anh em trong tình thương của Đấng Chúa tể Càn khôn là Ngọc hoàng Thượng đế. Dulichgo
Ý nghĩa của hoạt động này còn thể hiện Hội thánh Cao đài Tiên Thiên luôn đồng hành cùng dân tộc, theo đường hướng hành đạo: “Tiên Thiên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, phổ hoá quần sanh, giáo dân vi thiện, phụng sự đạo đức chính nghĩa” mà ba đời Giáo tông yêu nước đã từng nêu gương sáng. Người tín đồ Cao đài Tiên Thiên luôn cảm thấy rất tự hào về truyền thống tốt đẹp cũng như những di sản to lớn của những bậc tiền khai để lại. Thế hệ Cao đài Tiên Thiên hôm nay luôn trân trọng và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tinh thần đạo pháp và dân tộc, quyết tâm làm tròn bổn phận công dân đối với Tổ quốc, góp phần làm cho “Nước vinh, Đạo sáng”.
Theo Truyền Hình Vĩnh Long, Ban TGCP
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment