Cứ vào khoảng tháng 3 âm lịch hàng năm người Mường ở Thanh hóa lại tổ chức lễ hội Pồn Pôông (Pôồn Pôông). Trong tiếng Mường Pồn có nghĩa là Chơi. Pôông có nghĩa là hoa. Pồn Pôông có nghĩa là lễ hội chơi hoa.
< Múa trong lễ hội Pồn Pôông.
Tổ chức lễ hội Pồn Pôông, người Mường mong muốn mùa màng bội thu, bản Mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc. Và cũng chính lễ hội này đã tạo nên một sân chơi, một tụ điểm giao lưu văn hóa, để thi tài thơ ca, xướng họa của cộng đồng người Mường.
Theo quan niệm của người Mường, đây là lễ hội cầu chúc cho mối tình chung thuỷ của Nàng Nga - Hai Mối, Nàng Ờm- Bồng Hương, Út Lót- Hồ Liên (các nhân vật trong 4 chuyện tình nổi tiếng của người Mường) để họ có dịp về Mường vui vầy cùng dân bản. Qua đó thể hiện khát vọng về tình yêu, về sự sinh sôi nảy nở.
Trong điệu múa Pồn Pôông thì đạo cụ quan trọng nhất bên cạnh chiêng, trống…là cây bông. Cây bông là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hoá đã ban cho con người. Thân cây bông bằng tre cao 3m, treo 5 hoặc 7 tầng những chùm hoa bằng gỗ bấc nhuộm xanh, đỏ, tím, vàng và các mô hình muông thú, nông cụ sản xuất, những thành quả sáng tạo của con người... tượng trưng cho ấm no thịnh vượng.
Trò diễn Pồn Pôông có hai phần, phần lễ và phần diễn trò, múa hát quanh cây hoa. Để bắt đầu điệu múa Pồn Pôông, bao giờ bà máy (là người có khả nang chữa khỏi bệnh cho dân làng, người chủ lễ hội Pồn Pôông), phải làm lễ khấn ma nổ, rước ma nổ, rước vua, thần linh, tổ tiên về chơi hoa.
Múa Pồn Pôông lôi cuốn khán giả ngay từ trò diễn đầu tiên, những tiếng hát Xường, hát Đang vang lên như lời mời gọi dân làng cùng đến chung vui, cùng múa hát Pồn Pôông.
Sau khi các lễ vật cùng cây bông được chuẩn bị hoàn tất, người Mường mời người trên trời xuống để kiểm tra lễ vật. Theo quan niệm của người Mường, trò diễn này diễn tả thời kỳ bắt đầu quá trình đẻ đất, đẻ nước, bắt đầu có con người sinh sống.
Pồn Pôông mô phỏng các động tác trong quá trình lao động, vui chơi như phát nương làm rẫy, làm cửa, làm nhà, trồng bông, dệt vải, săn bắt thú rừng, thả lưới quăng chài, đánh e, đánh mảng, chơi chấp, ném còn, leo dây… Họ vừa múa hát vừa đùa nghịch, vui nhộn. Có thể coi đây là vòng xoè hoa, múa hoa của người Mường, vừa múa tung khăn, vừa hát vừa diễn trò. Trong vòng múa bông này, mỗi người là một diễn viên độc diễn xung quanh cây hoa, lôi kéo mọi người từ già đến trẻ, từ các bản xa, mường gần tụ hội về quanh cây bông.
Âm thanh của cồng, chiêng, giã ống, thanh la, trống con…khiến tâm hồn con người như được thanh thản, được giao lưu, cộng cảm và được hóa thân vào chính các nhân vật trong trò diễn…
Trong các trò diễn đều mang tính hài hước nhằm mục đích gây cười, tạo không khí vui tươi trong lễ hội. Tất cả mọi người đều diễn ngược và nói ngược với những lời nói, nhũng tập tục sống của họ nhằm tạo ra tiếng cười. Nhưng đây lại là tiếng cười có ý nghĩa sâu xa mà ý nhị.
Cao trào của một cuộc Pồn Pôông là khi các chàng trai, cô gái đã say nhau thì mượn chuyện nàng hai mối để bày tỏ tình yêu đôi lứa, trao lời yêu thương gắn bó. Lúc này họ không còn là trai gái bản Mường nữa mà họ là biểu tượng của tình yêu của mối tình “Nàng Nga và anh chàng hai mối vào bất diệt. Và đây cũng chính là sự cuốn hút của điệu múa Pôông Pôông đối với các thế hệ trong bản Mường, nhất là với tuổi trẻ, thể hiện tình yêu quê hương đất nước bản Mường.
Có thể nói múa Pồn pôông đã mang lại giá trị tinh thần cho đông đảo người Mường và tạo niền tin, hy vọng cho một năm mới tốt lành. Và cũng chính lễ hội này đã tạo ra một sân chơi, một điểm tụ giao lưu văn hóa của cộng đồng người Mường. Chính bởi vậy việc bảo tồn nguyên vẹn điệu múa này là vấn đề quan trọng và có ý nghĩa.
Mỗi trò diễn của điệu múa Pồn Pôông đều có một ý nghĩa đặc biệt của nó, gắn liền với đời sống của người Mường xứ Thanh. Hy vọng rằng trong tương lai, vũ điệu Pồn Pôông sẽ không chỉ vang vọng nơi bản Mường, mà còn vươn xa khắp các tỉnh thành trong nước và bạn bè quốc tê. Đó cũng là cách để giúp giữ lại bản sắc văn hoá của người Mường xứ Thanh.
Theo VTC16
Du lịch, GO!
Blogger Comment
Facebook Comment